
ĐÀO DUY TỪ 陶 維 慈 (1572 – 1634) là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà thơ, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635)
Ngài quê gốc ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia), nhưng nơi Đào Duy Từ bắt đầu sự nghiệp của mình để rồi trở thành một nhân vật nổi tiếng lại là đất Tùng Châu (nay thuộc xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Đền thờ Ngài Đào Duy Từ tại xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sách Đại Nam Thực Lục – Tiền Biên chép: “Duy Từ có tài lược văn võ, trù hoạch điều gì đem thi hành đều trúng, giúp việc nước chỉ 8 năm, mà công nghiệp chói lọi, đứng đầu hàng công thần khai quốc…”
Khi mất, Chúa Nguyễn thương tiếc mãi, truy tặng Hiệp Mưu Đồng Đức Công Thần, Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu.
Trong 8 năm đó, từ năm 1626 đến năm 1634, Ngài đã góp công lớn xây dựng cho Đàng Trong một quân đội hùng mạnh và một cơ sở xã hội vững chắc.
Đào Duy Từ có công giúp Chúa Nguyễn ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh. Về nghệ thuật sân khấu, Ngài đã có công sửa lại những lối hát và điệu múa cổ, để dùng vào những dịp quốc gia đại lễ. Ngoài ra, Đào Duy Từ còn là một kiến trúc gia và kỹ thuật gia cừ khôi, có công lao về ngành về binh học, nghiên cứu những kiến trúc phòng ngự để tăng thêm hiệu lực, như xây đắp các lũy Trường Dục, lũy Động Hải, lũy Trường Sa (ngày nay thuộc Đồng Hới, Quảng Bình). Về kỹ thuật chiến tranh, Ngài rất chú trọng tới việc chế tạo vũ khí. Với tác phẩm Hổ Trướng Khu Cơ (việc cơ yếu mật thiết trong quân đội), là cuốn binh pháp viết về nghệ thuật quân sự còn nguyên vẹn và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Người đời sau đã lượt tả công lao của Ngài trong 4 câu thơ sau:
Bể dâu thay đổi mấy triều Vương,
Lũy cũ xanh xanh một dải Trường,
Rêu đá xa mờ kinh Hổ Trướng
Gió lau heo hút phù Long Cương.
Bìa cuốn Hổ Trướng Khu Cơ – Bản dịch của Đỗ Mộng Khương
Bộ Tổng Tham Mưu – Tổng Cục Quân Huấn – Xuất bản 1974.
HỔ TRƯỚNG KHU CƠ 虎 帳 樞 機
Là tác phẩm binh thư do Đào Duy Từ biên soạn, để dạy các tướng sĩ của xứ Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII. Đó là tác phẩm quân sự cổ, duy nhất của Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Khác hẳn với nhiều cuốn binh thư, Hổ Trướng Khu Cơ được biên soạn nặng về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam tài “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, gồm ba tập: Tập Thiên, tập Địa và tập Nhân. Chủ yếu trình bày về phương pháp đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, phản ánh nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự Việt Nam.
Quyển 1 (tập Thiên) gồm sáu phần: Tổng luận về cơ yếu binh pháp, trình bày các phương pháp và phương tiện dựa vào “thiên cơ”, với các nội dung chủ yếu: Hoả công, thuỷ chiến, bộ chiến và thủ trại, lời tổng bình về tập thiên.
Quyển 2 (tập Địa) gồm năm phần: Trình bày các loại đội hình, dựa vào “địa lợi” và sự vận dụng linh hoạt, biến hoá các loại đội hình đó. Yếu chí bàn về trận, các phép trận; yếu luận về giáo trường diễn trận; yếu pháp phá trận, tổng bình về tập địa.
Quyển 3 (tập Nhân) gồm sáu phần: Yếu chí bàn về tướng, phép chọn tướng luyện binh; yếu luận về quân cơ, phép dạy quân đánh giặc; phép giữ thành chống giặc, yếu luận về địa thế. Trình bày các yêu cầu đối với tướng (tám điều: Nhân, Nghĩa, Tín, Trí, Minh, Tài, Dũng, Nghiêm), đối với quân cơ (năm điều: Nghiêm lệnh, Chỉnh túc, Tinh nhuệ, Tử tế và Thanh liêm), phép luyện quân đánh giặc và cách xử trí các tình huống cơ bản theo quan điểm “nhân hoà”.
Hổ Trướng Khu Cơ là cuốn binh thư phản ánh khá rõ ràng những đặc điểm và truyền thống quân sự của người Việt, nó chứng minh rằng từ lâu người Việt đã sáng tạo một nền binh học độc lập, một nền võ học tự cường. Đọc Hổ Trướng Khu Cơ ta thấy được truyền thống đấu tranh quân sự trong giai đoạn lịch sử của nó khá cụ thể. Tác phẩm này còn được coi như là một “di thư” của Tổ Tiên trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Trang 23 – 24 của Hổ Trướng Khu Cơ. (Xuất bản 1974)
Không những là một học giả, một chính trị gia, Ngài còn là một chiến lược gia mưu trí lỗi lạc.
Xin nêu một giai thoại về Ngài Đào Duy Từ trong thời gian phò trợ Chúa Nguyễn:
GIAI THOẠI LỊCH SỬ
Thật bất ngờ:
Mâu nhi vô dịch 矛 而 無 剔
Mịch phi kiến tích 覔 非 見 迹
Ái lạc tâm trường 愛 落 心 腸
Lực lai tương địch 力 來 相 敵
Lại hóa ra là:
Dư Bất Thụ Sắc 予 不 受 勑 !
Năm Kỷ Tỵ (1629), sau khi đuổi được nhà Mạc, Trịnh Tráng được Vua Lê phong làm Sư Phụ Thanh Vương. Nhân đó, muốn lấy danh nghĩa nhà Lê phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét tình hình Đàng Trong. Chúa Trịnh sai sứ mang sắc vua Lê vào phong cho Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dụ Chúa Nguyễn cho con ra chầu và nộp ba chục thớt voi và ba chục chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Tàu.
Lúc bấy giờ Đào Duy Từ là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Sãi đã không thực hiện việc cống nạp này rồi cho đắp lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa để phòng thủ theo kế hoạch của Đào Duy Từ. (Sau này quân Trịnh bị đánh bại nhiều phen vào những năm 1633, 1648, 1672 có một phần lớn nhờ các thành lũy này).
Về việc sắc phong, vào năm 1630, Đào Duy Từ cho người làm một cái mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, phủ lụa vàng lên trên phẩm vật rồi sai sứ thần ra Bắc. Văn Khuông (không rõ họ) theo lời Đào Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh.
Sau khi đã tiễn đoàn sứ giả rời khỏi Thăng Long, Chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy ngoài tờ sắc của mình trước đó, còn kèm theo một mảnh giấy viết bốn câu thơ như trên.
Tạm dịch:
Xà mâu không đâm
Tìm chẳng thấy tăm
Thương rụng rơi lòng
Sức đến cùng đấm.
Cả triều đình vua Lê, Chúa Trịnh không ai hiểu ý bài thơ muốn nói gì, mới cho tìm người giỏi khắp xứ để giải bài thơ hiểm hóc thì mới vỡ lẽ:
Trong chữ Hán:
Chữ MÂU 矛 viết không có nét phẩy thì thành chữ DƯ 予, nghĩa là TA.
Chữ MỊCH 覔 mà bỏ chữ KIẾN 見 chỉ còn lại chữ BẤT 不, nghĩa là KHÔNG.
Chữ ÁI 愛 nếu viết thiếu chữ TÂM 心 thì ra chữ THỤ 受, nghĩa là NHẬN.
Chữ LỰC 力 ghép với chữ LAI 來 sẽ thành chữ SẮC 勑, tức là SẮC PHONG.
Ghép 4 chữ của bốn câu trên thành câu :
DƯ BẤT THỤ SẮC 予 不 受 勑
Có nghĩa là:
TA KHÔNG NHẬN SẮC!
Hiểu ý Chúa Nguyễn trả lại sắc phong, Chúa Trịnh nổi giận, bèn cho người đuổi theo sứ đoàn của Chúa Nguyễn, thì sứ thần Văn Khuông đã nhanh chân xuôi bước về Nam rồi!
Thật là thâm sâu và ngạo nghễ!
Đúng là:
Uy Vũ Bất Năng Khuất
Thử Chi Vị Đại Trượng Phu.
威 武 不 能 屈
此 之 谓 大 丈 夫.
(Cường quyền không làm khuất phục
Người như vậy là bậc Đại Trượng Phu).
Ảnh minh họa bài thơ của ngài Đào Duy Từ.
Quoc Lien
Bài viết thật tuyệt vời chân thành cảm ơn tác giả
Cảm ơn đồng tông!
Ông Đào Duy Từ được mệnh danh là Thầy của Chúa thật không sai.
Hậu duệ nhà Nguyễn nhớ ơn ông.
Ông còn được ví là Khổng Minh của nhà Nguyễn. Nhưng xem ra sự nghiệp của ông không thất bại sau rốt như Khổng Minh bên Tàu, mà lại thành công vĩ đại để lại phúc lớn muôn đời cho triều đại mà ông phò tá nói riêng cho dân tộc Việt Nam nói chung.