Hình thuyết minh, trưng bày ở phủ thờ Đức Anh Duệ Hoàng Thái Tử.

Trong sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ Nhất kỷ, quyển 6, trang 14, 15 bản chữ Hán, có một đoạn văn trích dẫn nội dung sắc phong của chúa Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1793[1], sách lập Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Cảnh làm Đông Cung, tức là ngôi Thái Tử.

Nguyên văn chữ Hán như sau:

三月甲寅, 立皇長子景為東宮(年十 四), 頒東宮之印。
敕曰:
父之有子如天之有元, 一元成其大而天道乃昌,
尊之有支如潢之有派, 上派致其深而潢流益遠。
是故聖帝明王, 承平之際猶念立儲,
况東征西討, 撥亂之秋豈忘建嗣。
咨爾: 阮福景, 家之家子, 國之儲君。
學思求禮,樂温文就賢良,
而親炙道,欲究聖賢心法。
藉師傅以參稽 雖歲葩方在弱齡事之可否,
略同眾智然艱險會經無恙天之曆數必在。
爾躬爰立為東宮景郡公
以一民心以諧僉議。尚其:
乃心乃德對耀彩于前星
斯世斯民沐恩波于少海,
謀貽燕翼金葩昭日月之重光
祥毓鴻基玉曆衍乾坤於萬葉。
尋授元帥, 領左軍營
命所居曰帥府(後號新營)。
文書行下曰敎。

Trang 14 bản chữ Hán, sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ Nhất kỷ, quyển 6 (thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế)

Phiên âm:

Tam nguyệt Giáp Dần, lập Hoàng trưởng tử Cảnh vi Đông Cung (niên thập tứ), ban Đông Cung chi ấn.
Sắc viết:
Phụ chi hữu tử như thiên chi hữu, nguyên nhất nguyên thành kỳ đại nhi thiên đạo nãi xương,
Tôn chi hữu chi như hoàng chi hữu phái, thượng phái trí kì thâm nhi hoàng lưu ích viễn.
Thị cố thánh đế minh vương, thừa bình chi tế do niệm lập trữ,
Huống đông chinh tây thảo, phạt loạn chi thu khởi vong kiến tự.
Tư nhĩ:
Nguyễn Phúc Cảnh, gia chi gia tử, quốc chi trữ quân.
Học tư cầu lễ, nhạc ôn văn tựu hiền lương,
Nhi thân chá đạo, dục cứu thánh hiền tâm pháp.
Tạ Sư Phó dĩ tham, kê tuy tuế ba phương tại nhược linh sự chi khả phủ,
Lược đồng chúng trí nhiên, gian hiểm hội kinh vô dạng thiên chi lịch số tất tại.
Nhĩ cung viên lập vi Đông Cung Cảnh Quận Công.
Dĩ nhất dân tâm, dĩ hài thiêm nghị. Thượng kỳ:
Nãi tâm nãi đức, đối diệu thái vu Tiền Tinh,
Tư thế tư dân, mộc ân ba vu Thiếu Hải.
Mưu di yến dực kim ba, chiêu nhật nguyệt chi trọng quang,
Tường dục hồng cơ ngọc lịch, diễn càn khôn ư vạn diệp.
Tầm thụ Nguyên Súy, lãnh Tả Quân dinh
Mệnh sở cư viết Suý Phủ (hậu hiệu Tân Dinh)
Văn thư hành hạ viết Giáo.

Tạm dịch:

Tháng 3, ngày Giáp Dần[2], lập hoàng tử trưởng là Cảnh làm Đông Cung (14 tuổi), ban cho ấn Đông Cung.
Sắc rằng:
Cha có con như trời có nguyên khí, nguyên khí thành tựu thì đạo trời thịnh vượng,
Họ có ngành như sông có nhánh, nhánh trên sâu rộng thì dòng chảy càng xa.
Bậc thánh đế minh vương xưa, đương lúc thái bình, còn nhớ lập ngôi Thái Tử,
Huống nay đánh đông dẹp tây, đương lúc trừ loạn, há quên dựng người nối ngôi.
Nay truyền:
Nguyễn Phúc Cảnh là con trưởng của nhà, là vua sau của nước.
Học thì lo cầu lễ nhạc, luyện văn chương theo bậc hiền lương,
Đạo thì hun đúc chuyên cần, tìm tòi suy xét tâm pháp thánh hiền.
Nhờ Ân Sư cùng dự bàn, do tuổi hãy còn trẻ nên việc lớn chưa tường thành đạt,
Lập kế sách với người trí, đã từng trải gian khó lịch số trời ắt có trường tồn.
Nay bèn lập làm Đông Cung Cảnh Quận Công
Để thống nhất lòng dân, để hòa hợp cùng nghị luận. Ngõ hầu:
Làm cho tâm đức, xứng ánh sáng của Tiền Tinh
Khiến cho người đời, thấm ơn sâu của Thiếu Hải[3]
Truyền sách lược vững tinh hoa, rõ rệt như trời trăng lại sáng thêm
Điềm lành vun đắp cơ đồ, niên đại lâu dài giang san muôn thuở
Trao ngôi Nguyên Súy, lãnh dinh Tả Quân
Chỗ ở gọi là Súy Phủ, (sau gọi là Tân Dinh)[4]
Văn thư ban xuống gọi là Giáo.

Theo thể thức hành văn trong các sắc phong xưa của thời quân chủ, có thể đoạn văn này được trích dẫn hầu hết nội dung sắc phong thường thấy của vua khi ban phong tước vị cho triều thần, chỉ thiếu hàng chữ ghi ngày tháng năm, theo ngày tháng đã được ghi ở phần đầu và dấu son của kim ấn, mà thời điểm này vua Thế Tổ dù đã xưng Vương, ngài vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng – nhà Lê và dùng quốc ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu, được đúc vào thời của Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Thời điểm này có lẽ chưa có điều kiện để dùng đến kim sách như sau đó 23 năm, khi vua Thế Tổ ban phong Hoàng Thái Tử lần thứ 2 cho triều đại của mình.

Khoảng giữa trang 15 còn chép đoạn nguyên văn chữ Hán:

帝以東宮年少, 欲得賢保傅輔, 之乃建太學堂, 置東宮輔導一, 侍講二, 翰林侍學八, 國子監侍學六。
日以朝夕會督學官集太學堂講說經史。
凡東宮言動侍學悉書, 之月一進覽以觀德業進益。
以翰林院制誥鄭懷德黎光定為東宮侍講。

Trang 15 bản chữ Hán, sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ Nhất kỷ, quyển 6 (thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế)

Phiên âm:

Đế dĩ Đông Cung niên thiếu, dục đắc hiền bảo phó phụ, chi nãi kiến Thái Học Đường, Trí Đông Cung Phụ Đạo nhất, Thị Giảng nhị, Hàn Lâm Thị Học bát, Quốc Tử Giam Thị Học lục.
Nhật dĩ triêu tịch hội đốc học quan tập Thái Học Đường giảng thuyết kinh sử.
Phàm Đông Cung ngôn động Thị Học tất thư, chi nguyệt nhất tiến lãm dĩ quan đức nghiệp tiến ích.
Dĩ Hàn Lâm Viện Chế Cáo Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định vi Đông Cung Thị Giảng.

Tạm dịch:

Vua cho rằng Đông Cung còn trẻ tuổi, muốn được Thái Phó Thái Bảo giỏi để giúp, bèn dựng Thái Học Đường, đặt 1 Đông Cung Phụ Đạo, 2 Thị Giảng, 8 Hàn Lâm Thị Học, 6 Quốc Tử Giám Thị Học.
Mỗi ngày sớm tối họp các quan Đốc Học ở Thái Học Đường để giảng bàn kinh sử.
Phàm Đông Cung nói gì làm gì, Thị Học phải ghi chép, mỗi tháng một lần tiến lên vua xem, để xem đức nghiệp tiến ích thế nào.
Lấy Hàn Lâm Viện Chế Cáo là Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm Đông Cung Thị Giảng.

Cảm kích quý thầy Thái Phó; Thái Bảo, gồm Phụ Đạo Bá Đa Lộc, Thị Giảng Lê Quang Định; Trịnh Hoài Đức cùng 8 thầy Hàn Lâm Thị Học, 6 thầy Quốc Tử Giám mà đa số quý vị Ân Sư này, không ít người là học trò của Danh Sư Võ Trường Toản, trong đó có ngài Ngô Tùng Châu…
Vào tháng 4 năm Mậu Ngọ (1798), Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên cũng được sung Phụ đạo, tháng 4 năm Canh Thân (1800) Tiến sĩ nhà Lê – Nguyễn Gia Cát cũng được sung phụ đạo, ngoài ra còn phải kể đến các danh tướng như Tuấn Nghĩa hầu Tống Phước Đạm, Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân v.v…cũng từng là những người từng phò tá Hoàng Thái Tử trong việc học.

Sắc phong (giả định)
景興五十四年三月二十二日
Cảnh Hưng ngũ thập tứ niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật.
Châu ấn: Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu.

Vị Hoàng Thái Tử đầu tiên của triều Nguyễn là người đức độ, tình cảm, nhân hậu, sau hơn 4 năm lênh đênh góc biển chân trời, khi về nước hơn 5 năm thì chánh vị Nguyên Súy, trong 8 năm kế tiếp đã trấn đất Diên Khánh – Phú Yên, lấy lại Thanh Chiêm – Quảng Nam, thu lại Bình Thuận, cùng nhiều chiến trận khác ở Đà Nẵng, Qui Nhơn, ba quân vâng theo mệnh lệnh, trăm họ trông nhờ ơn uy, công nghiệp rõ ràng, tiếng tăm lừng lẫy.
Tháng 3 năm 1798, khi từ chiến trường về, từng làm sách Hiển Trung Chư Thần Liệt Truyện nhằm mài giũa; khích lệ lòng người được vua rất tán đồng[5]. Hoàng Thái Tử đã góp công lớn cùng vua cha trên tiến trình thống nhất sơn hà. Rất tiếc lại vắn số.
Năm 1800 Hoàng Thái Tử trong lúc trấn thủ Gia Định đã ủy lạo, chiêu mộ chiến sĩ, lập thêm chi binh cho vững vàng hậu cứ. Đến cuối năm này còn bàn bạc việc chọn ngày xuất quân trận Thị Nại 1801. Lúc chiến trận võ công đệ nhất mới vừa thành công vào giữa tháng giêng, thì ngài đột ngột từ trần vào đầu tháng 2, vì bịnh đậu mùa ở Gia Định lúc chỉ 22 tuổi[6].

Thương tiếc Đức Đông Cung Nguyên Súy Anh Duệ Hoàng Thái Tử.
Ngài là bức tượng đài muôn năm trong lòng con cháu.

Ghi chú:

[1] Gọi là chúa Nguyễn, vì lúc này ngài đã lên ngôi Vương được 13 năm (1780). Ngài bắt đầu xưng niên hiệu Gia Long từ ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1.6.1802).
[2] Tháng 3, ngày Giáp Dần là ngày 22 tháng 3 năm Quý Sửu, nhằm ngày 1.5.1793.
[3] Chữ Thiếu Hải, trong ĐNTL ghi là 少 海, nhưng bản tiếng Việt ở các sách đều ghi là Tiểu Hải.
[4] Chữ Tân Dinh trong ĐNTL ghi là 新 營, nhưng bản tiếng Việt ở các sách đều ghi là Tân Phủ.
[5] Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ Nhất kỷ, quyển 10 (thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế – tháng 3 năm 1798), trang 3 bản chữ Hán chép:
東宮景請作顯忠諸臣列傳以砥礪人心, 帝然之。
Phiên âm:
Đông Cung Cảnh thỉnh tác Hiển Trung Chư Thần Liệt Truyện dĩ chỉ lệ nhân tâm, Đế nhiên chi.
Tạm dịch:
Đông Cung Cảnh trình tác phẩm Hiển Trung Chư Thần Liệt Truyện nhằm khích lệ lòng người, vua rất tán đồng.
[6] Hoàng Thái Tử mất ngày Quý Sửu, tức mùng 7 tháng 2 năm Tân Dậu, nhằm ngày 20.3.1801.

Nguyen Phuoc Lien Quoc