Ngài là một nhà chính trị và quân sự nổi tiếng, là người lãnh đạo trên thực tế của chính quyền và quân đội, trong giai đoạn cuối thời Lê sơ và là người đặt nền móng gây dựng nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Ngài sinh năm Mậu Tý (1468), là trưởng nam của Thái Phó Trừng Quốc Công太傅澄國公 Nguyễn Văn Lưu 阮文澑, ông nội là Phó Quốc Công 傅國公 Nguyễn Như Trác 阮如琢 đều là những danh tướng thời Lê sơ.
Thời trai trẻ tài kiêm văn võ, ban đầu Ngài được ấm thụ làm quan coi lính, đến đời vua Lê Chiêu Tông (1516 – 1524) giữ chức Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân 右衛殿前將軍 tước An Thanh Hầu 安清侯(1), trông coi tỉnh Thanh Hoa.
Năm 1522 Mạc Đăng Dung phế vua Chiêu Tông làm Đà Giang Vương, lập Hoàng đệ Lê Xuân lên làm vua tức Lê Cung Hoàng. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung bức tử vua Lê Cung Hoàng, cướp ngôi nhà Lê. Ngài giận họ Mạc tiếm nghịch, chí muốn khôi phục nhà Lê, nên dẫn con em tránh sang Ai Lao, lúc đó ngài đã 59 tuổi. Vua Ai Lao là Sạ Đẩu 乍斗 cấp cho ngài đến ở Sầm Châu 岑州 (là Sầm Nứa ngày nay). Bấy giờ, ngài chiêu tập những người trung dũng, hào kiệt, quân chúng có hàng mấy nghìn người, voi có ba chục thớt, bàn mưu tìm con cháu nhà Lê để phò tá.
Năm Canh Dần (1530), Ngài đem quân về Thanh Hoa. Mạc Đăng Doanh – con trưởng Mạc Đăng Dung sai tướng là Ngọc Trục chống cự, đánh nhau ở huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân Thanh Hóa), Ngọc Trục thua chạy. Năm Tân Mão (1531), ngài đánh phá được tướng Mạc là Nguyễn Kính ở huyện Đông Sơn (Thanh Hoa). Khi tiến đến Điềm Thủy huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), lại đánh luôn mấy trận với tướng Mạc là Lê Bá Ly thắng to. Gặp trời mưa dầm, nước lụt lai láng, quân Mạc cho nhiều chiến thuyền tiếp nhau tiến đến, ngài bèn rút quân về Sầm Hạ ở Ai Lao, chỉnh đốn lại binh mã.
Năm Quý tỵ (1533) Ngài tìm được con trai nhỏ của vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lập làm vua, tức là Lê Trang Tông. Do công ấy, ngài được phong chức Thượng Phụ Thái Sư Hưng Quốc Công 尚父太師興國公 Chưởng nội ngoại sự.
Khi ấy có một người tướng giỏi trong quân tên là Trịnh Kiểm 鄭檢, ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa. Thấy là người có tài, Ngài bèn phong làm Dực Nghĩa Hầu và gả con gái là Ngọc Bảo cho, để cùng ra sức giúp nhà Lê diệt Mạc.
Vua tôi nương náu ở Sầm Châu để chiêu tập quân sĩ, mãi đến năm Canh Tý (1540), Ngài đem quân đánh Nghệ An, hào kiệt phần nhiều theo về, thanh thế rất lừng lẫy, đến đâu đều hàng phục được. Năm Nhâm Dần (1542) vua Trang Tông cất quân về đánh Thanh Hoa và Nghệ An, qua năm sau (1543) thì thu phục được đất Tây Đô, quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất 楊執一 ra hàng. Tuyên Quận Công Trịnh Công Năng nổi quân làm phản, chiếm giữ đầu nguồn Quảng Bình (tên huyện, nay thuộc huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), dựng đất đặt doanh trại. Ngài tiến đánh, diệt được Năng(2).
Năm Ất Tỵ (1545) Ngài định tiến ra Đông Đô nhưng bị lụt phải trở về Thanh Hoa, đóng quân ở Yên Mô (Ninh Bình), Hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất dâng quả dưa có thuốc độc để hại ngài. Ngài mất ngày 20 tháng 5 năm Ất Tỵ (28.6.1545), thọ 78 tuổi(3). Binh quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hoa, lập hành điện ở đồn Vạn Lại (thuộc huyện Thụy Nguyên) để cho vua ở, rồi chiêu mộ những kẻ hào hiệt, luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo để tiếp tục đánh họ Mạc.
Được tin ngài mất, vua Lê vô cùng thương tiếc, truy tặng(4) Ngài tước Chiêu Huân Phụ Triết Tĩnh Công 昭勳輔哲靖公, thụy là Trung Hiếu. Linh cữu ngài được đưa về huyện Tống Sơn, táng tại núi Thiên Tôn, khi táng trời nổi mưa gió sấm chớp, ai cũng sợ bỏ chạy. Lúc trời tạnh trở lại thì đá núi, cây cỏ tươi tốt, không biết huyệt táng nơi nào nữa.
258 năm sau, vào năm 1803, Đức Cao Hoàng Đế Gia Long (hậu duệ đời thứ 11 của ngài) sau 1 năm thống nhất sơn hà, đã tìm về Gia Miêu Ngoại Trang bái yết Tổ Tiên, nhà vua cho dựng khu miếu Triệu Tường cách lăng chừng hơn 1 km để thờ cúng. Đình Gia Miêu cũng được xây dựng để tri ân quê gốc. Dịp này, nhà vua vinh phong vùng Gia Miêu Ngoại Trang là đất Quý Hương, huyện Tống Sơn là Quý Huyện để đời đời con cháu nhớ về tổ tông dòng tộc, là nơi phát tích của Vương Triều Nguyễn.
Năm Bính Dần (1806) vua Gia Long truy tôn ngài: Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh Hoàng Đế. Miếu hiệu là Triệu Tổ.
Năm Mậu Thìn (1808) vua Gia Long đặt tên lăng của ngài là lăng Trường Nguyên. Vì lăng không có dấu tích nên vua cho xây một nền vuông dưới chân núi Thiên Tôn, gọi là nền Phương Cơ để làm chỗ bái yết. Phu Nhân của ngài húy là Nguyễn Thị Mai 阮氏梅, con ông Nguyễn Minh Biện (quê ở Phạm Xá, tỉnh Hải Dương làm quan triều Lê, chức Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Thư Vệ Sự).
Bà là người thuần hậu, đức hạnh vẹn toàn. Bà mất ngày 23 tháng Giêng âm lịch, không rõ năm. Bà hợp táng tại núi Thiên Tôn với đức Triệu Tổ. Năm Bính Dần (1806), Vua Gia Long truy tôn: Từ Tín Chiêu Ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh Hoàng Hậu (thường gọi là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Hậu 肇祖靖皇后). Bà được phối thờ với Đức Triệu Tổ ở Triệu Miếu trong Hoàng thành(5).
Thứ phu nhân của ngài húy là Đỗ Thị Tín 杜 氏 信. Bà sinh ra Thái phi Ngọc Bảo.
Đức Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế là khai quốc công thần của nhà Lê trung hưng. Tuy giữa chừng bị hại nhưng công trạng to lớn của ngài sử sách đều ghi rõ. Ngài không phải là vua hoặc chúa nhà Nguyễn, nhưng là Thuỷ Tổ của họ Nguyễn Phước ở miền Nam. Ngài khai sáng ra hệ 1 Tiền Biên trong Nguyễn Phước Tộc, đó là dòng con cháu của ngài Nguyễn Uông.
Hôm nay kỷ niệm 479 năm, ngày băng của Đức Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế (20.5.Ất Tỵ 1545 – 20.5.Giáp Thìn 2024), xin thành kính dâng nén tâm hương bái vọng lên Tiền Nhân tấm lòng của người con cháu tha hương.
Ghi chú:
(1) Các sách như Đại Nam Thực Lục, Phủ Biên Tạp Lục, Việt Nam Sử Lược đều chép Ngài Nguyễn Kim giữ chức Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân (右衛殿前將軍) tước An Thanh Hầu (安清侯). Duy có Nguyễn Phước Tộc Thế Phả ghi ngài giữ chức Tả Vệ Điện Tiền Tướng Quân, tước An Tĩnh Hầu (xem bản chữ Hán hình cuối).
(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển XVI (3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển XVII ghi:Năm Giáp Ngọ (1594) “Sai bọn Nguyễn Mậu Tuyên đem sắc chỉ truy tặng gia phong Thái Tể Thái Sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim là Chiêu Huân Phụ Tiết Tĩnh Công.”
(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển XVI ghi: Tháng 5, ngày 20, hàng tướng Mạc là Trung Hậu hầu ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ, Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất, Trung Hậu hầu đêm ấy trốn đi, lại quay về với họ Mạc (VNSL cũng ghi rõ tên của viên quan Trung Hậu hầu này là Dương Chấp Nhất). Trước kia, Trung Hậu hầu xuất thân là hoạn quan, trải thờ Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, nghe tin vua nổi quân khôi phục bờ cõi, liền bàn mưu với họ Mạc dùng kế trá hàng, thường muốn hại vua. Việc đó không thành, mới bỏ ngầm thuốc độc để hại Thái tể Kim, Kim không để ý, bị trúng độc. Vua xuống chiếu truy tặng Kim làm Huân Tĩnh công, thuỵ là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang, huyện Tống Sơn để hậu táng. Phong con trưởng của Kim là Uông làm Lãng quận công, con thứ là Hoàng làm Hạ Khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc.
(5) Trải qua nhiều biến cố, Long vị của đức Triệu Tổ và Hoàng Hậu bị dẹp cất ở điện Long Đức. Lễ cung nghinh Long vị đức Triệu Tổ trở về Triệu Miếu được con cháu Nguyễn Phước Tộc cử hành trọng thể vào ngày 20 tháng 5 năm Kỷ Tỵ (22.6.1989).