Đăng vào lúc : 22/11/2018 Được đăng bởi : Quoc Lien
- KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ 畿 外 侯 彊 柢 (1882 – 1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu đời thứ 4 của Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh), là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
(Tiếp theo)
- PHONG TRÀO CƯỜNG ĐỂ
Tại Việt Nam những người đấu tranh cho độc lập dân tộc đã hình thành nên phong trào Cường Để vào những năm 1940 chủ yếu hoạt động ở miền Trung gồm có cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Di, kỹ sư Vũ Văn An. Tuy nhiên năm 1945 sau khi đảo chính Pháp tại Đông Dương, người Nhật không đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lên nắm quyền nên phong trào Cường Để dần suy tàn.
Người đã gây xúc động cho Kỳ Ngoại Hầu trong những ngày tháng cuối đời trên đất Nhật là Ngô Đình Diệm. Từ năm 1943, Ngô Đình Diệm đã cử Phan Thúc Ngô sang Nhật gặp Kỳ Ngoại Hầu, Ngô Đình Diệm trở thành đại diện của Việt Nam Phục Quốc Hội trong nước.
Ngày 14.8.1950, Ngô Đình Diệm cùng anh là Giám mục Ngô Đình Thục từ Rome sang Tokyo, hội kiến với Kỳ Ngoại Hầu. Komatsu Kiyoshi có mặt trong buổi hội kiến đó kể lại:
“Buổi hội kiến đã nâng đỡ tinh thần Cường Để ngoài sức tưởng tượng. Vừa mới thấy Cường Để, Ngô Đình Diệm liền quỳ xuống và phát biểu: “Tâu Hoàng thượng, Ngài phải làm vua!” và Cường Để đã rất cảm kích”.
Sau hơn 40 năm bôn ba tìm đường cứu nước Kỳ Ngoại Hầu đã từ trần vào ngày 6 tháng 4 năm 1951 (1 tháng 3 năm Tân Mão) tại Tokyo, hưởng thọ 69 tuổi. Di chúc Kỳ Ngoại Hầu dặn trao lại các tài vật cho Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh do đạo Cao Đài đã từng ủng hộ, vì vậy năm 1954, một phần di cốt của Kỳ Ngoại Hầu được người Nhật trao cho giáo chủ đạo Cao Đài là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đem về Tây Ninh. Năm 1957 phần thứ hai di cốt của Kỳ Ngoại Hầu cũng được hồi hương. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm đã cử hành trọng lễ đón nhận.
Phần thứ ba di cốt được chôn trong mộ phần của Đông Du học sinh Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zōshigaya, thuộc tuyến Toden Arakawa, phường Toshima Toshimaku (Phong Đảo khu). (Hổ thẹn vì không vận động quyên góp đủ số tiền cho Phong trào, Trần Đông Phong đã tự sát năm 1908. Cảm kích trước nghĩa khí đó, chính Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã xây mộ phần cho anh và rồi mộ phần đó lại được dùng làm nơi an nghỉ cuối cùng cho lãnh tụ Việt Nam Phục Quốc Đồng minh Hội).
Trong thời gian ở Nhật, có thông tin chưa kiểm chứng rằng Kỳ Ngoại Hầu đã kết hôn với bà Andō Shigeyuki. Có tài liệu cho rằng bà Andō Shigeyuki là con gái nuôi của Thiên hoàng Chiêu Hòa. Là vị Thiên hoàng có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản.
Ở quê nhà, Kỳ Ngoại Hầu có vợ là bà Lê Thị Trân (1883 -1956) cùng 3 người con là Công Tôn Nữ Hảo, Nguyễn Phúc Tráng Liệt và Nguyễn Phúc tráng Cử (Sau khi Kỳ Ngoại Hầu xuất dương hoạt động cứu nước, bà Hầu cùng các con đã bị bắt đi tù 14 năm, sau khi ra tù các con phải trốn tránh để học hành, sau này trở thành những nhà giáo có uy tín tại Huế (**)
- BÀI ÁI QUỐC CA
Nay ta hát một câu ái quốc,
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Nghiêm trang bốn mặt sơn hà,
Ông cha ta để cho ta lọ vàng,
Trải mấy lớp Tiên Vương dựng mở,
Bốn ngàn năm dải nắng dầm mưa.
Biết bao công của người xưa,
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm
Hào đại hải ầm ầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền Tây.
Một toà san sát xinh thay,
Bắc kia Vân Quảng, Nam này Côn Lôn.
Vẽ gấm vóc nước non thêm đẹp
Chắc những mong cơ nghiệp dài lâu
Giống khôn há phải đàn trâu!
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng.
Hăm lăm triệu dân cùng của hết
Sáu mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi ! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu chảy non chồng thịt cao,
Non nước ấy biết bao máu mủ?
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang.
Cờ ba sắc xứ Đông Dương,
Trông càng thêm nhục nói càng thêm đau
Nhục vì nước mà đau người trước,
Nông nỗi này non nước cũng oan,
Hồn ôi ! Về với giang san.
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này,
Hợp muôn sức ra tay Quang Phục,
Quyết phen này rửa nhục báo thù.
Một câu ái quốc reo hò,
Xin người trong nước phải cho một lòng.
BÀI ÁI QUỐC CA của KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ viết tại Đông Kinh – Nhật bản năm 1944, gởi về cho nhân dân Việt Nam và toàn thể chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập.
- BÀI KHUYẾN CÁO QUỐC DÂN CA
Nước mất sáu mươi năm rồi đó,
Quốc dân ta có nhớ hay không?
Kìa xem các nước Á-Đông,
Miến, Phi đều đã thoát vòng Mỹ Anh,
Chỉ còn có một mình Ta đó,
Vẫn để cho Pháp nó đè đầu,
Pháp kia còn có chi đâu?
Từ ngày thua Đức đã hầu diệt vong.
Gọi là nước thật lòng thành nước,
Ấy thế mà vẫn được trị bình,
Vẫn còn bạo ngược hoành hành,
Mà Ta cũng vẫn trung thành lạ thay,
Làm nô lệ đến ngày nào nữa?
Đến ngày rày còn chửa chán sao?
Hỏi hăm lăm triệu đồng bào?
Chuyện ta Ta phải tính sao bây giờ ?
Chẳng lẽ cứ ngồi chờ đến chết?
Giương mắt trông của hết đến cùng.
Bảo nhau phải dốc một lòng,
Phen này ta quyết chẳng dong quân thù.
Ông Cha trước Bình Ngô Sát-Thát,
Nòi giống mình hèn nhát chi đâu !
Sao Ta lại chịu cúi đầu?
Làm tôi tớ Pháp như trâu như bò?
Mình khốn khổ ấm no chẳng đủ,
Riêng sướng cho một lũ Tây Đầm.
Ai người có chút lương tâm?
Nghĩ nông nỗi ấy cũng bầm tím gan,
Nhiều kẻ vị thăng quan tiến chức,
Mà nỡ tâm bán nước hại nòi,
Vị tiền cũng lại lắm người,
Cơ hồ khắp nước chim mồi chó săn,
Ai có chí cứu dân cứu nước?
Thì lũ này sửa trước chớ tha,
Hỏi anh em chị em ta ?
Hiến thân cho nước mới là Quốc dân.
Pháp nọ cậy có quân có súng,
Động tí chi giết sống người mình.
Thực thì khố đỏ, khố xanh,
Trừ quan là Pháp là anh em nhà.
Sao không biết đảo qua đánh nó?
Nếu đồng tâm có khó chi đâu?
Người mình mình chớ hại nhau,
Xin quay ngọn súng trỏ đầu thằng Tây.
Nay mai sẽ có ngày khởi nghĩa,
Các anh em xin chớ ngại ngần.
Dốc lòng vì nước vì dân,
Giúp ta người sẽ có quân hùng cường
Nay dân tộc da vàng hợp sức,
Đánh đuổi người áp bức bấy lâu,
Đồng tâm ta phải bảo nhau,
Có ra sức mới ngóc đầu được lên.
Này những kẻ có tiền có của,
Chớ của mình mình giữ khư khư,
Đem tiền giúp nước bây giờ,
Có công là sẽ có lời lãi to.
Chẳng hơn cứ bo bo từng cuộn,
Rồi đến thành giấy lọn vứt đi,
Làm giàu cũng phải khéo suy,
Trước là vì nước sau vì bản thân.
Nay cơ hội đã gần tới đó,
Quốc dân ta xin cố sức lên.
Nhứt là Nam Nữ thanh niên,
Chớ quên cứu nước là thiên chức mình
Đừng say đắm hư linh vật chất,
Sự vui chơi xin dứt hết đi.
Kìa trông hai nước Miến Phi
Họ đà độc lập mình thì làm sao
Không lẽ chịu thuộc vào Pháp mãi?
Xiềng xích này ta phải phá ra,
Ta không cứu lấy nước nhà,
Khó mong cái sự người ta cứu mình.
Phải quyết chí hy sinh phấn đấu
Vì tự do rơi máu cũng đành,
Hãy vào Phục Quốc Đồng Minh,
Góp thêm sức mạnh làm thành việc to.
Tranh độc lập tự do cho nước,
Cho nước mình cũng được như ai.
Đứng trên Thế giới vũ đài,
Từ đây cũng có mặt người Việt Nam
Bốn mươi năm đi làm việc nước,
Thân già này chưa được chuyện chi!
Tuổi nhiều nhưng sức chửa suy,
Thuỷ chung lòng những lo vì nước non.
Cũng chẳng tưởng đến con đến của,
Cũng không mong làm chúa làm Vua.
Chỉ mưu đánh đuổi quân thù,
Để gây dựng lại cơ đồ nước ta.
Bởi vì thế bỏ nhà sang Nhựt,
Bấy nhiêu năm nếm mật nằm gai.
Đã hay thành sự tại Trời,
Gắng công cũng phải tại người mới nên
Vậy nay có mấy lời thành thực
Xin quốc dân hợp tác đồng lòng.
Người xuất của, kẻ xuất công,
Người ngoài vận động, người trong thực hành.
Sẽ có kẻ giúp mình thêm nữa,
Việc phen này không sự không xong.
Cốt sao ta phải hết lòng,
Thành công sẽ chỉ trong vòng năm nay.
Bài KHUYẾN CÁO QUỐC DÂN CA của Đức KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ viết tại Đông Kinh ngày 11 tháng Giêng năm 1944 gởi về cho nhân dân Việt-Nam và toàn thể Chiến sĩ Cách Mạng trong thời kỳ phấn đấu để giành độc lập.
Tháng 5 năm 1945 tại Sài Gòn, Có tổ chức cuộc Lễ để rước Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về nước của Tôn giáo Cao Đài.
Lúc đó, Hoàng Đế Bảo Đại không đủ sức cầm quyền, không thể đưa đất nước đến hoàn toàn độc lập theo nguyện vọng của toàn dân. Trong lúc Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là nhà cách mạng, con của Hàm Hóa Hương Công, cháu dòng đích 5 đời của Vua Gia Long. Là người có tinh thần cách mạng từ thuở còn trẻ, đang lưu vong tại Nhật hoạt động giải phóng giành độc lập lại cho nước Việt Nam, có khả năng lãnh đạo dân tộc, có đủ uy tín với toàn quốc đồng bào. Ngài được các nhà yêu nước mến phục và có tên tuổi đối với quốc tế. Chính Ngài là lãnh đạo tối cao của Cơ quan Phục Quốc Đồng Minh Hội. Ngài rất xứng đáng lãnh đạo toàn dân trong lúc này nên các chính khách cùng với các đại biểu đến Bộ Tham mưu Nhật thương thuyết rước Đức Ngoại Hầu Cường Để về nước.
Ngày 17/5/1945, được tin điện của Ngài cho hay sẽ về nên các đoàn thể yêu nước, mà nhất là khối Cao Đài lo làm lễ đài sẵn tại tại Đại Lộ Norsdom. Cất khán đài, dựng Khải hoàn môn rất lộng lẫy, có Nghĩa binh Cao Đài đứng gác trang nghiêm, có đội cận vệ túc trực. Sự trọng thể này làm cho hầu hết quần chúng đi ngang qua phải xuống xe đi hai bên chứ không đi cửa giữa. Nhân dân các tỉnh nghe tin sự tổ chức rước nhà Cách mạng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, nhiều người lên Sài Gòn chờ đợi.
Lãnh đạo Cao Đài – Trần Quang Vinh có bài viết sau:
CẢM ĐỀ
Rúng động non Nam khúc khải hoàn,
Treo gương Hồng Lạc phục giang san.
Vẻ tươi Quốc sử lòa cương thổ,
Đánh tỉnh hồn dân dựng miếu đàng.
Nước bốn ngàn năm lừng máu đỏ,
Dân hăm lăm triệu rạng da vàng.
Khí linh bia mãi cùng trời đất
Rúng động non Nam khúc khải hoàn.
Vào thời điểm ấy, cuộc thế chiến đã tới tấp trên đất Phù Tang. Đầu tháng 8 năm 1945 bom nguyên tử của Mỹ đã trút xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki làm cho nhà cửa đổ nát, hàng vạn người Nhật phải chết, cộng thêm đảo Okinawa hạm đội Mỹ tràn ngập, buộc Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, nên Kỳ Ngoại Hầu không về nước được.
Đồng thời tại quê nhà Việt Minh cướp chính quyền, thành lập chánh phủ VNDCCH, buộc vua Bảo Đại thoái vị và bôn tẩu qua Hồng Kông tị nạn chính trị.
Lực lượng Cao Đài đóng tại thành Ông Sáu (Hai Bà Trưng – Norsdom) bị giải tán, bảng Dân Quân Cách Mạng sư đoàn số 3 bị hạ xuống, nghĩa là hậu thuẫn quốc nội đã mất, thêm nữa hậu thuẫn ngoại quốc cũng không còn nên sự việc không thành.
Đến năm 1951 Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để từ trần, để lại muôn vàn luyến tiếc.
Ngoài bốn mươi năm biệt cửa nhà,
Quyết lòng khôi phục nước Nam ta.
Náu nương đất khách chờ thời thế
Tuổi thọ bảy mươi trí chẳng già.
Vị quốc bôn ba chẳng quản dài,
Chí mong chưa toại đoạn trần ai.
Tủi mừng đâu biết giờ tiền định,
May đặng duyên xưa tạo Diện Đài.
- THAY LỜI KẾT
Đức độ của Kỳ Ngoại Hầu được hầu hết sĩ phu kính mến. Dung mạo của Kỳ Ngoại Hầu, theo lời ký giả Nhật là Tùng Lâm (Matsubayashi) đã đến phỏng vấn ông khi ngụ ở Nhật vào khoảng năm 1943:
“Điện Hạ xuân thu đã ngoài sáu mươi nhưng râu tóc chưa bạc, tinh thần thì rất quắc thước. Thân thể trung bình, cử chỉ lanh lẹn. Tai to, trán rộng, mắt sáng quắc, mũi nở nang. Tướng mạo nghiêm trang, nhưng thái độ hòa nhã. Điện Hạ nói tiếng Nhật y như người Nhật, cách tiếp khách cũng vậy, ân cần tử tế. Ký giả phỏng vấn danh nhân ngoại quốc đã nhiều, song lần nầy là lần thứ nhất ký giả không cảm giác thấy là mình đang ngồi nói chuyện với người ngoại quốc”.
Trong cuộc truy điệu tưởng niệm, có nhiều câu đối của anh em cách mạng đồng chí khi xưa, trong có những câu:
– Phong trào cách mạng, đi trước nhất, mất sau cùng, bốn mươi năm chủ hội đồng minh, lá ngọc cành vàng, đất khách cũng lây vòng khói lửa.
– Thời vận trùng hưng, chí sắp thành, thân vội lánh, hăm lăm triệu trông vời bảo quốc, mưa sầu gió thảm, trời Nam cùng ứa lệ non sông.
– Qua bao nhiêu nước, dày gió dạn sương.
– Trải bốn lăm năm, nằm gai nếm mật.
Chỉ cầu cho: Cách mạng thành công, Ba kỳ thống nhất.
Một vị Hoàng Thân dám ra đi hy sinh tuổi thanh xuân, để truyền sự nhiệt tâm và lòng yêu nước cho những người khác.
Những con người anh dũng đứng lên đấu tranh. Những con người ấy có thể may mắn thành công, không thành công hoặc hy sinh, cũng có thể đã đi xa mãi mãi! Dẫu thế nào thì họ cũng là những anh hùng dân tộc cũng đều đã đốt ngọn lửa của lòng yêu nước để thắp sáng cho tương lai và hy vọng.
Là người con nước Việt, chúng ta phải ghi nhớ công lao của ông cha, các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng!
Trong số đó có Đức KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ của chúng ta. Một đời tìm đường cứu quốc khiến cho gia đình, vợ con phải gánh chịu bao nỗi nhọc nhằn, chịu cảnh tù đày. Dù bản thân chịu nhiều gian khó, nhưng vẫn che chở, giúp đỡ, giáo dục bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Nhưng than ôi! Đã tròn 42 năm trôi qua, sau ngày thống nhất trên đất nước Việt Nam. Hình như ai đó vẫn đang còn nợ một lời tri ân chính thức dành cho Ngài.
Tại quận 1 Saigon trước năm 1975, có đường Cường Để nay đổi tên là đường Tôn Đức Thắng.
Tại thành phố Huế đường Nguyễn Trãi hiện nay đã từng mang tên đường Cường Để.
Ở Hội An, đường Cường Để xưa, nay là Đường Trần Phú.
Tại Quy Nhơn, đã từng có trường trung học Cường Để. Sau năm 1975 cũng đã đổi tên.(!)
- BÀI VĂN TRUY ĐIỆU ĐỨC KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ(Vào dịp rước di hài Ngài từ Nhật Bản về Sài Gòn)Ngàn thu hào kiệt, sinh vi anh thì tử vi linh.
Một nấm cỏ hoa, hồn bất diệt mà danh bất hủ.
Khuất bóng tướng tinh, quy hài đất tổ,
Suốt đời vẹn chữ trung trinh,
Toàn quốc dốc lòng kinh mộ.
Nhớ ngài xưa,
Phán thuỷ nho phong, ngân hoàng phái cũ.
Làm trai mới hai chục xuân xanh,
Yêu nước đã một bầu máu đỏ,
Thần kinh kết bạn, hội phục thù bóng tối lo toan,
Tam đảo thuận buồm, hịch bài Pháp lời đầu tuyên bố,
Tiếng cách mạng phút thét vang đất dậy, một tướng tiên phong,
Thù thực dân quyết chẳng đợi trời chung, những phường đô hộ.
Song le,phục thù dầu có thâm tâm,
Du học mới là sơ bộ,
Ngài bèn theo gót quân nhân, vào trường Chấn Vũ,
Chí nằm gai chẳng chút an nhàn,
Tài ứng thế đã nên đầy đủ.
Thời cơ chưa đạt, sân Tần nào gặp một tri âm,
Cuộc thế đổi thay, chính đảng đã bao phen cải tổ.
Nặng thề thoắt quyết một lòng đoàn kết, danh nghĩa đồng minh,
Lựa nhân tài dàn các bộ cơ quan, lưu vong chính phủ,
Trông gương đầu bạc, khắp đó đây muôn dặm bôn ba.
Vì nước lòng son, trải nguy hiểm một đời tân khổ,
Nào ngờ bể hận chưa bằng, bóng câu qua sổ,
Nước nhà đương giữa buổi gian nan,
Dân đảng mất một tay lãnh tụ.
Yên giấc thoát vong trần luỵ, kiếp phù sinh in chữ sắc không,
Ghi công nhờ cuốn cảo thơm, lòng báo quốc treo gương kim cổ,
Ngày nay chép sử tiền hiền, rước linh cố thổ,
Nhớ lại thuở bàn mưu tính kế, nét bút đổi trao,
Đã từng khi nằm nắng ăn sương, chút tình gắn bó,
Việc nước chưa yên, ý cao thường ngỏ,
Mưu kiến quốc phải chọn người tài đức, hai chữ kinh luân,
Mắt tinh đời già đoán giữa trần ai, mấy lời ký chú,
Quả may, sứ mạng được người, non sông có chủ,
Gánh vác hai vai đương việc lớn, thành tích gắng công.
Thuỷ chung một dạ đối người xưa, di ngôn không phụ,
Công quá lớn, bể khơi tát cạn, ta chưa xong nhờ bạn cũng là xong,
Ước nguyền riêng sông rộng cũng chèo, buồn thì có khi vui sao chẳng có,
Than ôi, dâu bể cơ trời, tử sinh định số,
Đất nước vững bền trên cõi Việt, một hội phong vân,
Anh linh phảng phất chốn Hiền lăng, ngàn năm sương lộ
Đọc tại Đô sảnh Sài Gòn, tháng giêng năm 1957. Nguồn: Nguyễn Sĩ Giác (***)
- BÀI VĂN TRUY ĐIỆU ĐỨC KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ
(Vào dịp rước di hài Ngài về Huế)
Than ôi!
Hạc về hoa biểu, cảnh khác xưa, thành quách vẫn như xưa,
Ngọc dấu Côn Sơn, người dù mất, tinh thần thì chẳng mất!
Da báo còn lưu, tướng tinh đã tắt,
Nhớ cụ xưa: Thiên tánh thông minh, Ngân hoàng sản xuất;
Rộng giao du hấp thụ tân trào
Rèn kinh sử mở đường học thuật,
Non sông ngắm lại, giọt lệ đầy vơi,
Đất nước thù chung, tấm lòng phẫn uất.
Cùng đồng chí ngầm lo kế hoạch du học xuất dương.
Mượn vũ đài lớn tiếng hô hào, bước đầu sang Nhật,
Vô vãng bất phục, tờ hịch truyền mượn gió đuổi mây.
Bất khải vô hoàn,lời thề nậng như dao chém sắt.
Hợp các đảng lập đồng minh bí mật, quang phục mưu đồ,
Kén nhân tài gây chính đảng lưu vong, cơ quan xếp đặt,
Gan mạo hiểm bôn ba muôn dặm, dãi nắng dầm mưa,
Chí phục thù sau trước một niềm, nằm gai nếm mật.
Nào ngờ: Lấp bể chưa đầy, bóng câu đã khuất,
Cách mạng quân thiếu tướng tiên phương,
Chính phủ mới mất tay lương bật,
Vẫn biết lò cừ nung nấu, vòng tử sinh tạo hoá có từ ai.
Nhưng xem nợ nước báo đền, trang sử sách công lao là bậc nhất,
Than ôi! Cõi đã minh dương, hồn còn phảng phất,
Bến sông Hương hoa cỏ buồn rầu,
Đỉnh non Ngự gió mây hiu hắt.
Dân quốc cộng hoà mưu nhất thống, đã nên thay thế nghiệp hoàng gia,
Phong trào cách mạng ghé hai vai, âu cũng vẻ vang dòng đế thất,
Công với nhân dân, trung với gia quốc, cuốn Kim thư truyền mãi họ tên,
Dưới làm sông núi, trên làm trăng sao, bầu chính khí thọ cùng trời đất!Đọc tại Huế, 1957 – Nguyễn Sĩ Giác (***)
Ghi Chú:
(*) Có một số tài liệu ghi Ngài là cháu đích tôn 4 đời của vua Gia Long nay xin hiểu đúng như phần đầu bài viết (cháu dòng đích 5 đời của Vua Gia Long).
(**) Có tài liệu ghi tên con trai Kỳ Ngoại Hầu là Nguyễn Phúc Tráng Đinh.
Nay ghi rõ: Ông Tá Quốc Lang Nguyễn Phúc Tráng Đinh là con trai của cụ Thái Thường Tự Khanh Nguyễn Phúc Cường Trực.
Thái Thường Tự Khanh là anh chú bác ruột với Kỳ Ngoại Hầu. Vậy, Tá Quốc Lang gọi Kỳ Ngoại Hầu bằng chú.
(***) Nguyễn Sĩ Giác (1888 – 1974)Tiến Sĩ khoa Canh Tuất, năm Duy Tân thứ tư 1910 lúc 23 tuổi.
Tài liệu tham khảo:
– Cuộc đời cách mạng Cường Để – Tùng Lâm (Matsubayashi). Nhà in Tôn Thất Lễ XB, Sài Gòn,1957.
– Phan Bội Châu, Tự phán, NXB Anh Minh, Huế, 1956.
– Trang thông tin điện tử NXB Hà Nội.
– Tạp Chí Khoa Học Xã Hội Việt Nam, số 13 (73) – 2013.
– Vietnamvanhien.info
Bài viết trên trang Facebook PHÒNG ANH DUỆ ngày 5/4/ 2017
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày quy chung của KỲ NGOẠI HẦU (6/4/1951 – 6/4/2017)
(Có bổ sung)FacebookGmailChia sẻ