Đức Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Tần 阮 福 瀕, sinh ngày 18 tháng 7 năm 1620, là con trai thứ hai của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và Đoàn Quý Phi.  
   Lúc đầu, Ngài được phong làm Thái Phó Dũng Lễ Hầu.

   Là một võ tướng có tài, lúc mới 23 tuổi, Ngài từng đốc suất 50 chiến thuyền đột kích bất ngờ và đánh tan giặc phương Tây ở cửa biển Thuận An vào năm 1643.  
   Sách Đại Nam Thực Lục chép:

   Bấy giờ, giặc Ô Lan(*) đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của đức Hy Tông, là chú của Ngài), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền của thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiến thuyền trước sau lướt nhanh như bay, giặc trông thấy thất kinh hoảng sợ…

   Khi hay tin Thế Tử Nguyễn Phúc Tần xuất quân, chúa Thượng rất lo lắng, liền tự mình đốc suất binh thuyền đi tiếp ứng. Vừa tới cửa biển, từ xa trông thấy khói đen bốc cao mịt mù, Chúa ra lệnh cho thủy binh ta tiến lên tiếp ứng. Đến khi được tin quân ta thắng trận, Chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ đợi. Khi Thế tử Nguyễn Phúc Tần đến bái yết, Chúa trách: “Làm thế tử sao không thận trọng giữ mình?”. Chúa còn trách Tôn Thất Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội, sau đó đã hết lời khen ngợi thế tử.

Chúa thượng cười và nói: “Trước kia, tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa…” Nói xong, chúa trọng thưởng Thế tử và đoàn thủy binh rất hậu.


   Năm Mậu Tý – 1648 Ngài được tấn phong là tiết chế chủ quân. 
   Tháng 2 năm 1648, Chúa Trịnh Tráng khởi binh Nam tiến lần thứ 4, dẫn bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thủy quân đánh cửa Nhật Lệ. Ngài cùng vua cha ra Quảng Bình tiếp ứng, chia thủy quân phục sẵn ở sông Cẩm La, sai Nguyễn Hữu Tiến mang 100 con voi đánh úp quân Trịnh lúc nửa đêm, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quân Trịnh thua lớn, bị thủy quân Nguyễn chặn đánh chạy đến tận sông Lam mới thôi. 

   Tháng 3 năm 1648, Thế tử Nguyễn Phúc Tần định cho quân vượt sông Gianh đánh ra Bắc Bố Chính thì nghe tin Chúa Thượng ngã bệnh, nên phải lui binh. Chúa Thượng băng, bấy giờ Ngài 29 tuổi, bầy tôi tôn Ngài lên ngôi Chúa, gọi là Chúa Hiền 主賢 hay Hiền Vương 賢王 .

   Chúa Nguyễn Phúc Tần là người chăm chỉ chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi.

   Năm Quý Tỵ (1653), Chúa Hiền cho mở một cuộc duyệt binh lớn ở An Cựu, xét khí giới, định thưởng phạt. Cũng trong năm này vua nước Chiêm Thành mang quân sang đánh phá Phú Yên, chúa sai quân đi đánh dẹp. Đổi vùng đất từ Phan Rang trở ra làm Thái Ninh phủ và đặt dinh Thái Khang để coi việc cai trị. Chúa biết dùng người tài giỏi, lại là người trọng nghĩa. Quân của Chúa cùng các tướng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Đàng Ngoài.

Năm 1656, sau hai năm tấn công ra Bắc, đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Chúa đã đem quân đóng tại xã Vân Cát, quân Nguyễn có thể tiến sâu thêm nữa, nhưng nghe tin Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc lên ngôi chúa đang chịu tang, Chúa cho người sang phúng điếu rồi rút quân về, lưu các tướng đóng đồn từ sông Lam trở về Nam, đắp lủy từ núi đến cửa biển để phòng ngự.

   

Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đất Nghệ An thêm 5 lần nữa, năm 1660 chúa Trịnh mới khôi phục lại được. Kể từ đó, chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài từ lâu đã được chấm dứt.


Lăng Trường Hưng 長 興 陵.

   Năm 1674, Chúa mở khoa thi chọn người tài ra giúp nước. Năm 1674, phá được 3 lũy: Sài Côn (đất trấn Phiên An), Gò Vách và tiến quân lên vây thành Nam Vang, Chúa ổn định Chân Lạp, lập Nặc Ông Thu làm chính vương đóng ở Long Úc (thành Vũng Luông), cho Nặc Ông Nộn làm nhị vương đóng ở thành Sài Côn, bắt hằng năm phải triều cống. Năm Kỷ Mùi – 1679, chúa Hiền cho phép các tướng cũ của triều Minh là Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Hoàng Tiến, Trần An Bình cùng gia thuộc với hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến khai phá vùng đất Gia Định – Mỹ Tho. Từ đó phố xá, chợ búa mọc lên sầm uất, tấp nập, ngày càng mở mang.


Lãnh thổ Đại Việt thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1679)

   Đây là một công lao lớn, làm 1 được 3 trong sự nghiệp của Chúa. 2 đoàn di dân người Hoa khai phá đất hoang, lập nhà lập phố chợ, thu hút thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Dương qua lại buôn bán, biến nơi đây thành vùng đất đô hội và cũng từ đó phong hóa Trung Quốc thấm dần vào vùng đất này, những người Hoa ấy sau này được gọi là người Minh Hương.

   Trong suốt thời gian trị vì của mình bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại Chúa còn chú trọng mở mang nhiều vùng đất mới khơi đào nhiều kênh rạch để phát triển kinh tế nông nghiệp tiêu biểu trong đó là việc đào kênh Trung Đàn, Mai Xá, (kênh Mai Xá thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay).

   Tháng 8 năm Tân Dậu 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh, sau 1 tháng thì hoàn thành, Chúa hậu thưởng cho người dân đã dâng bức đồ giúp đào kênh, lại sai miễn thuế cho người dân các xã đã có công thực hiện công trình này, từ đó lưu hành thông suốt, việc buôn bán trở nên nhộn nhịp. Bấy giờ bờ cõi được thái bình, thóc lúa được mùa. Chúa càng chăm lo chính sự, không xây đền đài, không gần gái đẹp, bớt lao dịch thuế khoá, nhân dân đều khen ngợi thời thái bình thịnh trị.

   Vào một dịp du ngoạn ở cửa Tư Hiền (năm Đinh Mùi 1667) thấy phong cảnh hữu tình, Chúa cho xây chùa Hoa Vinh ở núi Túy Vân để cầu phúc cho dân địa phương, nay là chùa Túy Vân, một ngôi chùa cổ có phong cảnh đẹp tại đất Cố Đô.


Chùa Túy Vân, do Chúa Hiền cho xây dựng, tọa lạc trên một ngọn núi gần cửa biển Tư Hiền, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, TT Huế

   Ngày 19 tháng 3, năm Đinh Mão (30 tháng 4 năm 1687), Chúa Hiền không được khỏe, cho triệu con thứ là Nguyễn Phúc Thái đến bảo rằng: “Ta bình sinh ra vào gian hiểm giữ nhà, giữ nước. Con nối ngôi phải sửa thêm nhân chính cho yên bờ cõi. Các quan văn võ đều do ta cất dùng để mưu mọi bề, đừng để bọn tiểu nhân len vào.”

   Sau đó, Chúa gọi các quan đại thần tới và bảo rằng: “Ta với các khanh một chí hướng với nhau mà công việc mưu đồ chưa trọn. Nay con ta tuổi còn nhỏ, mong nhờ các khanh giúp đỡ cho công việc của tổ tông rõ ràng. Đừng quên lời ấy”.

   
Nói rồi, Chúa băng, thọ 68 tuổi. Lăng mộ tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lăng có tên là Trường Hưng 長 興 陵.


Sơ lược tiểu sử của Chúa Hiền tại lăng Trường Hưng

   
   Hậu của Chúa húy là Chu Thị Viên 朱 氏 園 (1625 – 1684), Khi còn trẻ, Hậu vào hầu đức Thái Tông trong thời kỳ tiềm để, được phong làm Chánh phu nhân. Năm 1806, Đức Thế Tổ truy tôn Từ Mẫn Chiêu Thánh Cung Tĩnh Trang Thận Hiếu Triết Hoàng Hậu 慈敏 昭 聖 恭 靜 莊 慎 孝 哲 皇 后. Hậu được phối thờ với Chúa ở Thái Miếu, Hậu sinh được 2 con trai và 1 con gái.

   
   Từ Tiên Hiếu Triết hoàng Hậu 慈 僊 孝 哲 皇 后 húy là Tống Thị Đôi 宋 氏 堆, là con gái Thiếu phó Quận công Tống Phúc Khang 宋 福 康, mẹ là họ Phạm, quê ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hậu mất ngày 21.3 âm lịch (không rõ năm mất), năm 1806, Đức Thế Tổ truy tôn: Từ Tiên Huệ Thánh Trinh Thuận Tĩnh Nhân Hiếu Triết Hoàng Hậu 慈 僊 惠 聖 貞 順 靜 仁 孝 哲 皇 后, đặt tên lăng là Quang Hưng lăng 光 興 陵, Hậu được phối thờ với Chúa ở Thái Miếu, Hậu sinh ra Chúa Nguyễn Phúc Thái.

   
   Chúa Hiền và các Chúa Nguyễn, đã có công lao rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ – không gian sinh tồn của nước Việt Nam.

   

   
   Hôm nay tròn 334 ngày Chúa băng (30.4.1687 – 30.4.2022). Kính dâng lên Tiên Nhân Liệt Thánh nén tâm hương của người con cháu phương xa.

  

Ghi chú:(*)

   Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và là công ty đầu tiên sử dụng cổ phiếu. Đây là 1 công ty đầy quyền lực, sở hữu gần như toàn bộ quyền lực của chính phủ, bao gồm khả năng phát động chiến tranh, bỏ tù và hành hình các tù nhân, thay mặt trong các đàm phán hiệp ước, đúc tiền và thành lập thuộc địa v.v…Với một lực lượng hải thuyền khá mạnh, trang bị vũ khí tối tân vào thời bấy giờ, đã chinh phục được Batavia và vùng quần đảo Indonesia, nhưng đã thất bại ê chề trước hải quân Chúa Nguyễn chứng tỏ binh lực hải quân Chúa Nguyễn vững mạnh như thế nào giúp thắng thế trong cuộc chiến với Chúa Trịnh vào thế kỷ 18.

Quoc Lien