Năm 2009, anh Đặng Tấn Thành, nhân viên văn phòng huyện đảo Lý Sơn đã báo cho tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thông tin về một tài liệu cổ mà dòng tộc đã lưu giữ gần 200 năm qua. Theo quy định, 20 năm dòng tộc họ Đặng mới mở tài liệu này ra một lần. Năm 2009 là thời điểm tài liệu này lại tiếp tục được mang ra cho con cháu xem. Đây là cơ hội vàng để ông Vũ nghiên cứu tài liệu cổ.

Có trong tay bản photo của tài liệu này, ông Vũ mừng và xúc động khi phát hiện ra, đó chính là tờ lệnh điều động binh phu đi lính Hoàng Sa năm 1834.

Kế hoạch đặc biệt bảo vệ “báu vật quốc gia” được triển khai khẩn trương. Từ ngày công bố tờ lệnh Hoàng Sa, những người trong dòng họ Đặng đứng ngồi không yên. Nhà thờ nằm sát mép biển, lọt thỏm phía ngoài một gành đá vắng vẻ. Việc bảo vệ báu vật được dòng họ tiến hành. Trong dòng tộc chỉ có vài người quan trọng nhất mới có thể biết được tờ lệnh được cất giấu tại đâu.

Những ngày đó, ông Đặng Lên – trưởng tộc họ Đặng mất ăn, mất ngủ để bảo vệ tờ lệnh. Bởi nhiều năm trước đây, có những người lạ mặt ra đảo Lý Sơn và đến tất cả các nhà thờ để tìm hiểu và vơ vét những tài liệu Hoàng Sa mang đi biệt tích. Tờ lệnh này suýt bị mất khi những người này năn nỉ và xin được mang vào đất liền. Lần đó, ông Đặng Lên quyết định họp các bô lão trong tộc họ. Tất cả đều cương quyết cất giữ cẩn thận, không mang tờ lệnh cho bất kỳ ai khác. Bởi đây là báu vật của dòng tộc.

Hình ảnh ghe câu được tái hiện tại nhà trưng bày (Đảo Lý Sơn)

Sau lần phát hiện tờ lệnh liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa, tiến sĩ Vũ đã dịch tờ lệnh, qua đó phát hiện tên tuổi của các binh phu Hoàng Sa tại các địa phương ngoài đảo và trong đất liền như: Cai đội Võ Văn Hùng, đà công Đặng Văn Siểm, phường An Hải, huyện Bình Sơn, Nguyễn Văn Danh ở Mộ Hoa (tức huyện Mộ Đức ngày nay), Ao Văn Trâm ở Lệ Thủy Đông (thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn)

Tên những hùng binh được ghi trong tờ lệnh Hoàng Sa, họ là ai?. Qua tờ lệnh Hoàng Sa đã góp phần giải mã, đội dân binh đi lính Hoàng Sa phần lớn là ngư dân đảo Lý Sơn, ngoài ra còn tuyển mộ ngư dân thông thạo nghề biển, có sức khỏe từ rất nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi và cả tỉnh Bình Định.
Quân lệnh như sơn, thưởng phạt nghiêm minh. Mặc dù nhận lệnh đi Hoàng Sa thì “người đi thì có mà không thấy về”. Nhưng khi nhận lệnh, những binh phu này hoàn toàn không được tắc trách và chậm trễ. Đó cũng là cách để triều đình nhà Nguyễn duy trì được đội Hoàng Sa trong suốt một thời gian dài, nhằm góp phần khẳng định chủ quyền trên biển.

Theo tiến sĩ Vũ, ngoài tờ lệnh Hoàng Sa, dòng họ Đặng trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các văn bản cổ, nội dung đề cập nhiều chi tiết về kỷ luật sắt đối với những người nhận lệnh đi lính Hoàng Sa như: Cai đội Võ Văn Hùng giỏi việc đi thuyền, rành rẽ hải phận, là người được cử đi từ năm trước 1833 nên lần ngày 1834 lại được quan án sát Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển chọn thêm những binh phu am hiểu hải trình, đưa các phái viên ở kinh thành, biến binh, thủy quân thẳng tiến ra đảo Hoàng Sa.

Cũng vào năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi – 1835), chuyến đi Hoàng Sa về chậm trễ, do vẽ bản đồ chưa chu toàn, cai đội Phạm Văn Nguyên và các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoàng bị phạt mỗi người 80 trượng. Ngược lại ông Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh có công trong việc hướng dẫn binh thuyền, tận tâm đo đạc hải trình nên được thưởng mỗi người một quan Phi Long ngân tiền. Còn dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đi mỗi người được một quan tiền.

Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cũng chính Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh cùng thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, người chỉ huy chuyến đi Hoàng Sa lần này, do khởi công chậm trễ nên đều bị phạt, tuy nhiên các binh phu vẫn được thưởng hai quan tiền.

Khi phát hiện tờ lệnh Hoàng Sa, nhiều tờ báo phản ánh thời gian trong tờ lệnh Hoàng Sa là năm Ất Mùi – 1835. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, chính xác là năm Giáp Ngọ (tức năm 1834). Chỉ sai số một năm nhưng lịch sử thì không thể xê dịch. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Quảng Ngãi trấn trở thành tỉnh Quảng Ngãi và đặt hai ty Bố – Án (Bố chánh và Án sát) thuộc Quảng Nam. Tiến sĩ Phan Giản kiêm chức Tuần vũ Nam – Ngãi (cả Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi). Chính vì vậy, người ban hành tờ lệnh không phải là vua Minh Mạng mà là quan Bố chánh – Tôn Thất Bạch và Án sát – Đặng Kim Giám ở cổ thành cùng đóng dấu triện lên tờ lệnh.


Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – Truyền lại cho thế hệ mai sau

Tờ lệnh này chứng minh đây là việc cơ mật được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo Đại Nam Thực Lục (cuốn 104 – ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn phủ Thuận Hóa (1558) đến thời vua Khải Định (1925) do Quốc sử Quán triều Nguyễn biên soạn) có đoạn ghi lại: “Năm 1833, vua Minh Mạng đã bảo Bộ Công rằng, dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nên nay dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”.

Cuốn Đại Nam Thực Lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821 hoàn thành và khắc in năm 1844 có kể lại sự kiện tháng 7/1754 liên quan đến sinh mệnh của những binh phu Hoàng Sa, “Dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp rồi cho đưa về. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sai viết thư cảm ơn”.

Ngày chuyển tờ lệnh vào đất liền để bàn giao tờ lệnh cho Bộ Ngoại giao, dòng tộc họ Đặng đã tổ chức cúng để cáo với tổ tiên, ông bà về việc chuyển “báu vật” của dòng tộc cho nhà nước để chứng minh chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Để thuyết phục cả dòng tộc giao tờ lệnh này cho Nhà nước, những người trong tộc họ đã nhiều lần họp bàn. Bởi không phải ai cũng đều thống nhất. Đứng ra với vai trò là trưởng tộc, ông Đặng Lên đã tuyên bố rõ ràng: “Tờ lệnh này của ông bà mình, nếu mình mang cất hoài thì nó không có giá trị. Chi bằng giao cho Nhà nước để góp phần đấu tranh đòi lại Hoàng Sa. Hiện nay con cháu của chúng ta đi Hoàng Sa liên tục bị bắt bớ, rất cực khổ”.


Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – Tiễn hùng binh Hoàng Sa ra khơi

Chuyển tờ lệnh đi, những người trong dòng tộc có đơn thỉnh nguyện, mong nhà nước quan tâm, cứ vài năm cho họ được thăm tờ lệnh một lần. Bởi trong tờ lệnh đó, họ tìm thấy bóng dáng của cha ông ngày xưa đã đi lính Hoàng Sa. Bởi tờ lệnh này đã gắn bó hàng trăm năm lịch sử của gia tộc họ Đặng. Ngày chuyển tờ lệnh vào đất liền, một đơn vị cảnh sát cơ động đã ra đảo để bảo vệ tờ lệnh. Tờ lệnh Hoàng Sa được đặt vào một chiếc va ly chống cháy, chống nước, nổi được trên mặt biển khi vận chuyển từ đảo vào đất liền.

Nhân ngày tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2012, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng bằng khen cho Gia tộc họ Đặng. Ông Hải khẳng định: “Tờ lệnh do tộc họ Đặng ở Lý Sơn hiến tặng có giá trị rất lớn để làm cơ sở pháp lý góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa”.

Vạn lý Hoàng Sa bồi lịch sử
Thiên thu Tổ Quốc ngưỡng tôn vinh.

Câu thơ như ứa lệ trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, như một lời tri ân gởi đến các bậc tiền nhân.

Ghi chú: Ảnh và bài viết trích từ tác phẩm: Như Cây Phong Ba Trên Đảo Hoàng Sa
Tác giả: Lê Văn Chương. Nhà xuất bàn Trẻ – 2013.
(Là một quyển sách phóng sự viết về những ngư dân kiên cường bám biển, họ hiện lên như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền đất nước, bất chấp bão tố gian nan.
Về truyền thống của người và đất Quảng Ngãi – quê hương của Hải đội Hoàng Sa- đội hùng binh năm xưa đã vượt sóng Biển Đông ra Hoàng Sa, với lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, với những bài văn tế, thư tịch cỗ , những đình miếu, những ngôi mộ gió …Về những hoạt động mưu sinh đa dạng của ngư dân nơi đây trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc).

Quoc Lien