Từ thời Nho Giáo còn thịnh hành tại nước ta, song song với cuốn Tam Tự Kinh là sách học vỡ lòng của trẻ em Việt Nam và Trung Quốc xưa, có một cuốn sách khá phổ biến được ngành giáo dục Quốc gia VN dùng để dạy các học sinh tại các nơi, nó vừa mang tính chất là một cuốn sách giáo khoa Hán văn, vừa mang tính chất là một cuốn sách đạo đức, luân lý phổ thông, đó là cuốn MINH ĐẠO GIA HUẤN, của Trình Hạo, Trình Di (*).
   Sách này đã được dùng làm kim chỉ nam cho tất cả người dân ở các quốc gia thụ hưởng Nho giáo xưa. Tuy ngày nay có những quan niệm cho rằng: Nho giáo có những tư tưởng cổ hủ và hạn chế, nhưng cuốn sách này là những cách ngôn thâm thúy, khuyên bảo con người rèn luyện tư cách ở gia đình và xã hội, thấm nhuần về đạo đức thanh cao và tâm lý. Sách có nhiều nội dung tích cực về giáo dục gia đình xã hội và rất đáng chú ý khi đạo đức của xã hội xuống cấp trầm trọng trong thời buổi nền giáo dục bại vong như hiện nay.

Sách khẳng định vai trò của giáo dục, trong việc hình thành nhân cách.
Xác định trách nhiệm của gia đình và xã hội trong giáo dục con người, nhấn mạnh vai trò của môi trường giáo dục.
   Ghi nhớ nền tảng phát triển con người qua giáo dục, đề cao quá trình tự giáo dục.
   Quan niệm nhân quả, một đòn bẩy cho giáo dục đạo đức, nêu bật tính tự giác của con người và sự cần thiết của luật pháp.
   Những điều quý báu được răn dạy như: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Nhẫn, Hiếu, Hòa, Chân, Thiện, Mỹ… trong quan hệ gia đình và xã hội được lồng ghép khéo léo trong 510 câu thơ, được viết theo thể tứ tuyệt trong tác phẩm này.
   Ngoài những phiên bản biên dịch xưa được in ấn của nhiều nhà xuất bản, nhưng hiện nay rất hiếm thấy, cuối năm 2017, hai tác giả là Hải Nam và Đoàn Như Khuê đã phỏng thơ (song thất lục bát), đệ tử Phật học Nguyễn Văn Quyền đã gửi file PDF lên Google Drive với câu ghi chú: Kính biếu khắp muôn nơi! Hoan nghênh sao lưu, chia sẻ, in tặng!
   Nay cũng với tinh thần đó, cá nhân đã chuyển đổi sang file word & đã chỉnh sửa (**)
Mời mọi người tham khảo, download hay in thành sách tại link sau:

https://docs.google.com/document/d/1cbUGkw44SKN-yonyYfgaxI9iCzrLERrv/edit?usp=sharing&ouid=114390540456861823690&rtpof=true&sd=true

   Như một hoài niệm, nhưng khá thực tế khi đọc MINH ĐẠO GIA HUẤN, học tập những điều tinh túy trong nó. Mặc dù không thể níu kéo những gì đã qua, nhưng như một cách trân trọng quá khứ với nền giáo dục Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng, đã vuột mất khỏi tầm tay, hãy cùng nhau ôn lại một tài liệu trân quý thuở xa xưa.

千  金  遺  子    
不  如  一  經   
 Thiên Kim Di Tử,
Bất Như Nhất Kinh.

“Cho con một rương vàng đầy,
Sao bằng cho quyển sách hay để dành.”

Ghi chú:
(*)
   Trình Hạo 程 顥 (1032 – 1085) tự Bá Thuần 伯 淳, hiệu Minh Đạo 明 道, người đời thường gọi là Minh Đạo Tiên Sinh 明 道 先 生. Là người thời Bắc Tống quê ở Lạc Dương Y Xuyên 洛 陽 伊 川 (nay là tỉnh Hà Nam 河 南, Trung Quốc). Ông đỗ Tiến Sĩ năm 1057 và làm qua nhiều chức quan, đời sau truy phong là Dự Quốc Công 豫 國 公. Ông được thờ trong miếu Khổng Tử.
Trình Di 程 頤 (1033 – 1107) tự Chánh Thúc 正 叔, là em của Trình Hạo, thường gọi là Y Xuyên Tiên Sinh. Đời sau truy phong là Lạc Quốc Công 洛 國 公, và cũng được thờ ở Khổng Miếu.
   Ông Trình Hạo qua đời trước ông Trình Di 22 năm, Trình Di tiếp tục nghiên cứu chú thích và truyền bá các kinh truyện của Nho gia. Hai anh em ông được người đời tôn xưng là Lạc Học hay Nhị Trình, vì có công mở rộng và hoàn thiện học thuyết Khổng Mạnh. 
Thành ngữ có câu: Cửa Khổng sân Trình là có ý đề cao hai vị này vì là người kế tục Khổng Tử trong Nho Giáo đời sau.
(**)
   Phần chữ Việt font Times New Roman, chữ Hán font DF中 太 楷 書 体,(có thể tùy chỉnh) bao gồm 189 trang, 53 trang cuối là phần gốc chữ Hán.

Quoc Lien 25/4/19