PHÒNG ANH DUỆ xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử của Cụ
NGUYỄN PHÚC TRÁNG ĐINH cùng bà con và các bạn
Cư sĩ Tráng Đinh pháp danh: Tâm Huệ quê gốc Gia Miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa, tên thật là Nguyễn Phúc Tráng Đinh, tự Tráng Đăng, sinh năm Tân Hợi – 1911 tại huyện Phú Vang, nay là phường Vỹ Dạ, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cư sĩ vốn xuất thân dòng đích của Vua Gia Long, cháu 5 đời của Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh, thuộc phòng
Anh Duệ , đệ nhất chánh hệ. Có bài thơ phiên hệ như sau:
MỸ LỆ ANH CƯỜNG TRÁNG(*)
美 麗 英 彊 壯
LIÊN HUY PHÁT BỘI HƯƠNG
聯 輝 發 佩 香
LINH NGHI HÀM TỐN THUẬN
令 儀 咸 巽 順
VỸ VỌNG BIỂU KHÔN QUANG
偉 望 表 坤 光
Chính vì thế mà Cư sĩ có chữ Tráng (Tráng Đinh, Tráng Đăng). Lúc nhỏ, Cư sĩ học trường Quốc Học và đỗ Thành Chung khoảng năm 1920 –1930. Sau ra trường, Cư sĩ sinh hoạt trong làng báo chí thời bấy giờ. Trong thời gian phát hành báo, Cư sĩ còn thành lập nhà xuất bản Thuận Hóa và cũng là cộng tác viên với các tờ báo ở Huế thời ấy. Trong đạo, Cư sĩ đã nhiệt tình cộng tác với các tờ Viên Âm Nguyệt San, Giác Ngộ trong nhiều vai trò: khi thì Quản lý kiêm phát hành, khi thì Thủ quỷ, Phóng viên…
Thân sinh của Cư sĩ là Cụ ông Nguyễn Phúc Cường Trực, tự Căn Sanh, Pháp danh Trừng Kim, giữ chức Thái Thường Tự Khanh, người làng Vỹ Dạ thuộc Phú Vang và cụ bà Nguyễn Thị Hưu, Pháp danh Nguyên Thanh, người làng Văn Giang, Tam Giáp, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Cư Sĩ có bốn người con:
– Nguyễn Phúc Liên Phú (tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Chơn Kim. Trú trì chùa Tường Vân, Đơn Dương – Lâm Đồng. Đã viên tịch vào ngày 25 tháng Giêng năm Đinh Dậu (21/02/2017), trụ thế 88 năm, 50 hạ lạp)
– Nguyễn Phúc Liên Bảo – Tiến sĩ Dược Khoa, định cư và đã từ trần ngày 13 tháng 3 năm Đinh Dậu (9/4/2017) tại Pháp.
– Nguyễn Phúc Liên Đàm (đại úy thiết giáp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất năm 2004).
– Nguyễn Phúc Liên Thanh Quang (nhà doanh nghiệp, hiện làm việc tại Saigon).
Các con của Cư sĩ là những người thành đạt trong xã hội và đã theo nghiệp cha, tùy theo hoàn cảnh, tất cả đều có chí hướng phục vụ cho Đạo Pháp khi có cơ hội.
Công tác của Cư sĩ khi còn ở Huế được mời giữ Tập Tước Tá Quốc Lang, được chức Tam Phẩm Tế Tửu (tức Hiệu trưởng hay Giám đốc trường Quốc Tử Giám) từ năm 1932 –1945.
Năm 1947 bọn Pháp sai lính lê dương càn quét vùng Kim Long vì nghi nơi này là nội gián cho Việt minh. Khi vào lục soát chùa Linh Mụ, chúng bắt một số thanh niên và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, mà chúng nghi là Việt cộng, ra phía sau chùa tự đào hào để chúng bắn. Cũng may là Hòa thượng yếu đuối, đào chậm nên chưa kịp bắn thì Cư sĩ nghe hung tin ấy liền báo cho đức Bà Từ Cung biết, ngài điện cho trưởng cơ quan mật thám hay và yêu cầu thả ngay Hòa Thượng ra. Khi bọn chúng đến thì chưa bị bắn nên bọn chúng đã đưa Hòa Thượng về nhà thương Trung ương Huế để chữa trị.
Nhận thấy thực dân Pháp ngày càng táo tợn, chém giết đồng bào, áp bức dân lành, nên Cư sĩ đã gia nhập phong trào hòa bình thế giới trong đó có Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Bác sĩ Phùng Hữu Phước, Tôn Thất Dương Kỵ, Nhạc sĩ Hồng Nguyên… nên cả nhóm đã bị bắt giam và sau đó cấm cả gia đình Cư sĩ không được ở Huế và bị buộc phải vào ở tại Sài Gòn từ những năm 1954 – 1955.
Từ năm 1952 đến 1963 Cư sĩ luôn luôn hộ trì các chùa, hể nghe chùa nào có khó khăn về kinh tế hay bị bọn tay sai Pháp làm khó dễ là có mặt Cư sĩ ngay.
Chính Cư sĩ, Sư bà Diệu Không, Hòa thượng Thích Trí Thủ… là những người đầu tiên ủng hộ Hòa thượng Thích Minh Châu và Thích Trí Không (Trần Quang Thuận) xuất dương du học.
Năm 1946 Phủ thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử – Nguyễn Phúc Cảnh ở Vỹ Dạ bị đốt phá, chính Cư sĩ đã xin cột kèo và vật liệu còn lại đem cúng chùa Từ Đàm để xây giảng đường Phật học thời bấy giờ.
Cũng trong những năm này, ở phòng nhì mật thám Pháp có tên Mười Ba là giáo gian khét tiếng ở Huế, thường hay bắt nạt các chùa và ngầm theo dõi các thầy hằng ngày, nghe vậy, Cư sĩ thường hay đối diện với tên giáo gian này để dằn mặt. Tên giáo gian này sợ Cư sĩ tâu với đức Bà Từ Cung nên mỗi khi gặp Cư sĩ thường hay lánh mặt. Tên Mười Ba này mỗi khi ra đường gặp các sư xách giỏ mang đãy đi làm lễ cho Phật tử là liền soát xét và tịch thu giấy tờ nên các sư rất sợ.
Năm 1959 Đại hội Phật giáo kỳ III và 1962 Đại hội thống nhất Phật giáo 3 miền tại chùa Từ Đàm – Huế, Cư sĩ là người hộ trì và là đại biểu tham dự các kỳ đại hội này.
Năm 1963 Đại hội Phật giáo thống nhất họp tại Sài gòn, Cư sĩ được bầu vào chức vụ Phó tổng Thư ký Viện Hóa Đạo (đặc trách ngoại vụ).
Từ nằm 1965 – 1975, Cư sĩ quay sang làm kinh tế và thuê tàu Viễn Dương để buôn bán với Nhật, nhưng bị nghi ngờ nên chính quyền bấy giờ không cho phép.
Những năm sau đó, 1985, cả hai ông bà vì tuổi cao sức yếu nên Hòa Thượng Thích Chơn Kim là con trai trưởng, đã đưa hai ông bà cụ thân sinh lên ở với Hòa Thượng tại chùa Tường Vân, huyện Đơn Dương, thị trấn Dran, tỉnh Lâm Đồng.
Do tuổi cao sức yếu, Cư sĩ đã từ trần năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi.
Với nền Phật Giáo nước nhà, Cư sĩ là nhà Phật học uyên bác, có đạo tâm. Với gia đình, dòng tộc Cụ Ông Nguyễn Phúc Tráng Đinh là người uy tín, luôn giúp dỡ cháu con thắt chặt tình đoàn kết, chung tay lo hiếu sự.
Cư sĩ là tấm gương, là vì sao sáng soi đường cho hậu thế.
Ghi chú:
(*) Câu đầu của bài Phiên Hệ Thi do vua Minh Mệnh đặt cho Phòng Anh Duệ, về sau do kỵ húy nên đổi hai chữ LỆ ( 麗 ) ANH ( 英 ) bằng DUỆ ( 睿 ) TĂNG ( 增 ).
Bài viết này cũng đăng trên trang Facebook PHÒNG ANH DUỆ ngày 5 tháng 7 năm 2017, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch, nhân kỷ niệm lễ húy kỵ 30 năm của Cụ ông – Cư sĩ TÁ QUỐC LANG – NGUYỄN PHÚC TRÁNG ĐINH.