ĐÔNG CUNG NGUYÊN SOÁI ANH DUỆ HOÀNG THÁI TỬ
東 宮 元 帅 英 睿 皇 太 子
(Tiếp Theo – Trích từ Đại Nam Thực Lục )
Tháng 5 năm Đinh tỵ (1797)
Đông cung Cảnh đem tướng sĩ dinh Tả quân vào cửa biển Đại Chiêm đánh lấy Chiêm Dinh (tức là dinh Quảng Nam), triệu Võ Tánh ở Phú Yên đem quân đến họp. Vua dụ rằng : “Giặc nay đem hết quân ra giữ Đà Nẵng, Chiêm Dinh không có phòng bị. Khanh nên kíp tiến cùng Đông cung chiếm đoạt đất ấy, rồi sau đem quân ra mặt sau Đà Nẵng, như thế thì quân giặc sau lưng trước bụng đều bị đánh, lấy dễ như trở bàn tay”.
Đông cung Cảnh tiến quân lấy chợ Đông An ở Hội An, thẳng tới Chiêm Dinh, chia đặt đồn sở để phòng giặc.
Đông cung Cảnh cho quân đi đánh giặc ở La Qua, giết được voi giặc, giặc vỡ chạy. Báo tin thắng trận, vua thưởng cho 1.000 quan tiền. . (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển IX)
Tháng 5,năm Mậu ngọ (1798)
Đông cung Cảnh xin làm sách Hiển trung chư thần liệt truyện để khích lệ lòng người. Vua lấy làm phải.
Vua sai Lễ bộ Ngô Tòng Chu hiệp cùng nguyên Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông cung. Tòng Chu là người Tân Bình dinh Phiên Trấn, người thanh liêm, học hạnh thuần chính, vua đặc biệt để ý, nên có mệnh này. Tòng Chu từ nói rằng : “Thần tài sơ đức mỏng, lạm dự văn ban còn sợ chưa được xứng chức, trách nhiệm phụ đạo, thần sợ làm không nổi”. Vua nói : “Đông cung là ngôi trừ nhị của nhà nước, kén người sư phó, không phải khanh thì không được, đừng nên chối nữa”. Tòng Chu vâng mệnh, hết lòng uốn nắn, nói thẳng không giấu giếm. Đông cung rất kính trọng.
Lính trốn ở các dinh quân, quan địa phương phần nhiều bắt vợ con đem giam ở quân xá. Đông cung Cảnh thấy thế, nói với vua rằng : “Trai gái có phân biệt, đó là chế độ xưa, người đàn bà bị giam kín một đêm, trọn đời khó lòng biện bạch. Nay vợ con lính trốn bắt giam lẫn lộn, sợ không được phân biệt, xin hạ lệnh cho hữu ty làm chốn giam riêng”. Vua khen lời nói phải.
Mùa đông, tháng 10. Triệu Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường về. Cho Đông cung nguyên súy Cảnh quận Công thống quản tướng sĩ dinh Tả quân và vệ Ban trực tuyển phong tiền quận Thần sách đến trấn giữ Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc đi theo, Phó tướng Tống Viết Phước và Nguyễn Công Thái đều lệ theo.
Tháng 12, Vua ban áo rét cho Đông cung Cảnh và các tướng hiệu theo thú ở Diên Khánh là bọn Cai cơ thượng đạo Mai Tiến Vạn, Nguyễn Văn Quế và Nguyễn Văn Nguyện. Hoàng tử và các quan văn võ sai người đem tờ khải đến Diên Khánh tiến lễ mừng tiết Chạp cho Đông cung. (Khải: Nói lên vua gọi là tâu, nói lên thái tử, hoặc lên vua chư hầu thì gọi là khải. Trong tờ khải hoàng tử xưng là bọn em, quần thần xưng là văn võ thần). Mùa xuân, tháng giêng năm Kỷ mùi (1799) hoàng tử và các quan văn võ sai người đưa tờ khải đến thành Diên Khánh làm lễ mừng tết Nguyên đán cho Đông cung. Dân Man Bàn Hàn ở thượng đạo Phú Yên về theo. Vua sai Cai cơ Nguyễn Văn Nguyện đem áo chiến cho các tù trưởng và tuyên chỉ để vỗ về. Lấy Phó trưởng chi Tả chi Hậu quân là Nguyễn Hữu Phước làm Chánh trưởng chi, Khâm sai cai cơ Nguyễn Hữu Nhân làm Phó trưởng chi, Khâm sai cai cơ vệ Nghị võ là Nguyễn Văn Doãn làm Phó vệ. Sai trạm đưa những trà quả thượng phương đến Diên Khánh cho Đông cung và các tướng hiệu. (Những phẩm vật vua dùng gọi là thượng phương).
Triệu phó tướng Tả quân là Tống Viết Phước về. Tính Phước nóng nảy, ở Diên Khánh hễ tì tướng có lỗi là lấy roi đánh làm nhục, nhiều người oán giận, thường khi nhân giận dùng những lời nói hỗn với Bá Đa Lộc. Vua nghe tin xuống chỉ quở mắng, bắt nghỉ việc quân về ngay. Lại dụ Đông cung Cảnh rằng : “Phàm nhân hậu phải có cương quyết mới làm được việc. Ngươi làm nguyên soái trấn giữ Diên Khánh, công việc ngoài khổn đều tự quyết đoán, thế mà Viết Phước trước đã tự tiện làm oai, sau lại vô lễ với sư phó mà ngươi cũng một niềm nín nhịn, há chẳng là quá nhân hậu ư? Từ nay về sau, từ phó tướng trở xuống, kẻ nào không vâng mệnh đều chém để nghiêm tướng lệnh”.
Tháng 2, sai tướng quân quản thượng đạo là Nguyễn Long đem quân sở bộ đến ba đèo (đèo Đại Lãnh, đèo Sầm Dương và đèo Gian Nan) điểm duyệt viên quân ba chi Chấn võ, Kiến nghĩa và Dũng nghĩa, rồi lại về Diên Khánh theo Đông cung điều bát.
Tháng 3, hoàng tử và các quan văn võ sai người đem tờ khải đến thành Diên Khánh, tiến lễ mừng khánh đản(Lễ sinh nhật, ngày mồng 1 tháng ấy) của Đông cung (20 cân sáp ong).
Sai Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành điều bát bộ binh các đạo đi trước ra Diên Khánh; sắc cho Đông cung Cảnh nghiêm sức cho các đồn ở ba đèo cẩn thận việc quan phòng, cấm việc đi lại, không được để lộ tăm hơi. Vua thân đốc binh thuyền ra cửa biển Cần Giờ. Sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền sở bộ tiến trước, Cai cơ Nguyễn Văn Thịnh và Tham tri Hộ bộ Trịnh Hoài Đức chở quân lương đi theo.
Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1799) sau khi chiếm được thành Quy Nhơn (Đổi tên thành làm thành Bình Định) Ngự giá đến Châu Dã, các tướng tề tập ở hành tại lạy mừng. Bèn sai Nguyễn Hoàng Đức đóng ở Thạch Tân (Bến Đá), Nguyễn Văn Thành đóng ở Hôn Cốc (Hang tối), Nguyễn Văn Tánh đóng ở Sa Lung, Nguyễn Đức Xuyên đem quân và voi theo Đông cung Cảnh đi giữ Châu Dã. Rồi vua trở về, đóng ở thành Bình Định. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên Đệ nhất kỷ – Quyển X)
Tháng 9, Trấn Biên có lụt lớn, lúa ruộng ngập hết, nhà dân trôi mất hơn nghìn nóc, có người bị chết đuối. Dinh thần báo lên. Vua sai phát gạo kho để chẩn cấp. Sai quản năm đồn quân Thần sách là Phạm Văn Nhân, quản dinh Trung thủy là Võ Di Nguy và Công bộ Trần Văn Thái thống lãnh các hạng thuyền ghe, theo Đông cung Cảnh về Gia Định trước. Xa giá về Gia Định. Khi qua Phú Yên giảm hoãn cho dân số gạo thị nạp còn thiếu. (Phàm ruộng đóng thuế nhất đẳng nhị đẳng thì cho hoãn đến cuối mùa đông, ruộng tam đẳng cùng ruộng mùa thu thì đều miễn).
Bá Đa Lộc người nước Phú Lang Sa chết. Đa Lộc trước theo giúp việc quân, tham dự bàn bạc, đến khi đem Đông cung sang Tây, hết lòng gìn giữ trông nom. Vua bảo Đông cung đãi theo lễ sư phó. Đến bấy giờ chết, tặng thái tử Thái phó Bi Nhu quận công, thụy là Trung ý, dùng hậu lễ để chôn cất. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên Đệ nhất kỷ – Quyển XI)
Năm Canh Thân 1800 – tháng 4, lấy hàng thần là Đốc học Nguyễn Gia Cát làm Đốc học, hầu Đông cung, Thị lang Mai Huy Đường, Lê Đình Kỳ, Nguyễn Danh Xán và Nguyễn Nhu, Cấp sự trung Nguyễn Huy Hàn và Nguyễn Huy Bảo, Hàn lâm Vũ Thế Nho, sung Hàn lâm viện. (Gia Cát là người Kinh Bắc, Tiến sĩ nhà Lê cũ; Huy Đường, Đình Kỳ, Danh Xán là Hương cống nhà Lê cũ ; Nguyễn Nhu, Huy Hàn là sinh đồ nhà Lê cũ; Huy Bảo là Hương cống đời Ngụy Tây, đều là người Thanh Hóa; Thế Nho là người Hải Dương, sinh đồ nhà Lê cũ).
Bọn hàng tướng ở thành Bình Định là Trưởng chi Trung chi Hậu đồn quân Ngự lâm Võ Văn Sự và Trưởng chi Hữu chi Nguyễn Bá Phong đem đồ đảng làm phản, giết quân ta, mở cửa thành phía bắc để đầu hàng giặc. Võ Tách sai vệ úy vệ Nhuệ Phong là Ngô Văn Sở chiếm giữ cửa, bọn quân phản đã ra trước ngoài thành hơn 400 người, còn dư thì không dám ra. Tánh liền xét bọn đồng mưu đem giết hết, phòng giữ nghiêm mật hơn. Lưu trấn thần Diên Khánh được tin thám tử báo, chạy biểu báo lên. Vua bèn cử đại binh đến viện, lưu Đông cung Cảnh trấn giữ Gia Định, lấy Chưởng cơ quản Trường đà kiêm Hộ bộ sự là Nguyễn Văn Nhân và Hình bộ Nguyễn Tử Châu giúp việc.
Tháng 5, quan phiên nước Chân Lạp là Cao La Hâm Sâm đem 5.000 quân Phiên và hơn 10 thớt voi đến Gia Định, Đông cung Cảnh ủy cho Lưu thủ Phiên Trấn là Tống Phước Ngoạn đưa đến quân thứ.
Mùa thu tháng 7. Hà Tiên đói, Mạc Tử Thiêm sai dân đong thóc ở Kiên Giang, viên quản thủ không cho. Tử Thiêm xin ở Gia Định. Đông cung Cảnh nói: “Buôn thóc ra ngoài biển thì có lệnh cấm. Nhưng dân ở Hà Tiên cũng là con đỏ của triều đình, sao nỡ thấy đói kém mà không cứu?”. Bèn hạ lệnh cho đạo Long Xuyên bán cho 10 xe thóc. Vua nghe tin, khen là phải. Tháng 8, Gia Định được mùa, trong cõi yên ổn. Đông cung Cảnh dâng sớ tâu và nói: “Nhân nay mùa rỗi, xin bắt 10.000 dân phu và số người đồn điền lấy ba phần mười, ủy cho Công bộ Trần Văn Thái đem đi Quang Hóa lấy gỗ ván chở về, đóng thêm 50 chiếc thuyền đi biển, để sẵn cho quân dùng”. Vua cho là phải. Triệu Binh bộ Nguyễn Đức Thiện đến hành tại. Thu gạo thị nạp của các hạng ruộng ở Thuận Thành là 2 vạn phương chở về Diên Khánh. Sai Tham tri Hộ bộ Nguyễn Hữu Thiện và Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Văn Phương đến đốc việc ấy.
Mùa đông tháng 10, sai bốn dinh Gia Định và Bình Khang, Bình Thuận thu trước thuế năm Tân dậu. Võ Tánh mật sai người thân tín mang tờ biểu lén đến đánh tại. Vua lại sai thám từ lẻn vào trong thành thăm hỏi tướng sĩ; mọi người đều cảm động phấn khởi, nguyện xin ra sức liều chết. Đặt năm chi bình trấn thành Gia Định và binh hùng trấn ở bốn dinh, mỗi dinh một chi. Đông cung Cảnh thấy xa giá đi đánh giặc, binh các dinh Gia Định đều điều đi cả, xin lập thêm chi binh, chiêu mộ những quân trốn và những dân ngoại tịch bổ vào cho đủ canh giữ. Vua y cho. Dinh Vĩnh Trấn lấy cả những người dân chưa đến 18 tuổi, dân phần nhiều không chịu nổi. Đông cung nghe tin quở trách, ra lệnh phải theo ý nguyện của dân, không được làm sợ hãi. Sai Phạm Văn Nhân lường phái binh Thần sách giữ bảo núi Mã Cảnh (Cổ Ngựa). Răn không được tự tiện bỏ bảo sở mà đi quấy nhiễu nhân dân. Làm trái thì chém bêu đầu cho mọi người biết.
Ty Chiêm hậu dâng sớ nói : “Tháng giêng đầu năm có lệ chọn ngày tốt để ra quân. Xét từ ngày 15 về trước chỉ có ngày Kỷ mùi mồng 6 là tốt hơn cả, nhưng lại hiềm có lục hại nên chưa dám quyết”. Vua sai truyền dụ cho Lưu trấn thần Gia Định rằng: “Việc xuất quân là rất quan trọng, bằng chưa xuất quân thì ngày khánh tiết Vạn thọ không dám nổ súng, như thế sao cho thành lễ. Vả ngày lục hại (Lục hại là bất hòa như Dần dữ Tỵ hại, Mão dữ Thìn hại và Tý dữ Mùi hại) là tý hại mùi. Nay Đông cung làm chủ tướng, tướng mệnh ở tý thì có ngại gì. Cứ dùng ngày ấy ra quân, đừng câu nệ quá. Còn như các việc tiến lịch và ban lịch thì cứ chiếu lệ mà làm”. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên Đệ nhất kỷ – Quyển XII)
Ngày Quý sửu 7 tháng 2 năm Tân Dậu (20/3/1801), Đông Cung Nguyên Súy Cảnh Quận Công mất. Trước kia Đông Cung từ Tây Dương về, từng theo đánh giặc, đến nay lưu trấn Gia Định, bị bệnh đậu mùa mất, 22 tuổi. Vua nghe tin rất thương xót. Sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu, hiệp cùng Lễ bộ lo việc tang. Sắc cho Gia Định đình mọi việc cúng lễ lớn nhỏ cho đến ngày an táng mới thôi, Bình Khang, Bình Thuận thì đình 13 ngày. Việc giá thú thì Gia Định đình 60 ngày, Bình Khang, Bình Thuận đình 30 ngày. (Năm Gia Long thứ 4, truy tặng thụy hiệu cho Đông Cung Nguyên Soái Quận Công Cảnh là Anh Duệ Hoàng Thái Tử, dựng nhà ở xã Vỹ Dã thuộc huyện Phú Vang). Sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu hành việc lưu trấn Gia Định. Lấy Tả tham tri Hình bộ là Phạm Như Đăng làm Tham tri Lại bộ, Quốc Tử giám thị học là Phạm Văn Dưỡng là Hàn lâm viện thị học. Triệu quốc thúc (chú ruột vua) Chưởng cơ Tôn Thất Thăng đến hành tại. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên Đệ nhất kỷ – Quyển XIII).
Tuổi mới lên 4 đã vâng mệnh đi sang Tây Dương, góc biển chân trời một chuyến đi gần 5 năm. Ngày trở về chăm lo học tập, tấn phong làm Nguyên Soái chính vị Đông Cung giữ thành Gia Định, trấn đất Diên Khánh, thu lại Bình Thuận, lấy lại Phú Yên, ba quân vâng theo mệnh lệnh, trăm họ trông nhờ ơn uy, công nghiệp rõ ràng, tiếng tăm lừng lẫy.
Cảm thương thay!
Ánh sao khuê vừa tỏa sáng đã vội băng.
Để lại cho hậu thế muôn vàn thương tiếc!
Vận nước gian truân
Vượt đại dương mưu việc cứu sơn hà
Tuổi thuở xuân xanh
Đã dấn thân vì quốc gia đại sự
Ra đi năm năm đằng đẵng
Ngày về ôn võ luyện văn
Nhận lãnh binh quyền, đảm trách việc nước
Hoạch định chiến lược, đóng sửa thuyền bè
Thân Nguyên Soái
Tám năm chưa lần thất bại
Uy đức rạng rỡ trong ngoài
Giúp vua cha chinh phạt bốn phương trời
Anh hùng trong nhân thế mấy ai sánh kịp
Ngài ra đi lòng muôn dân mến tiếc
Thảy gần xa nghe thấy đều khóc sầu
Kẻ mưu quyền không lấy đó làm đau
Manh nha ẩn dấu những mưu sâu
Khi ngụy tạo đôi dép con bên giường mẹ
Gây nên chuyện muôn đời không thể có
Dân xót xa ru câu hát về người:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay!
Than ôi!
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước dòng Hương.
Hai trăm mười bảy năm qua rồi, anh linh Ngài như còn ẩn hiện quanh đây
Cơn gió thoảng như tiếng quân reo tung hô vị anh hùng niên thiếu.
Hậu duệ của Ngài trong muôn vàn khó khăn, vẫn ngẩng cao đầu hiên ngang trước mọi nghịch cảnh. Sống với ý chí và hành động quật cường như tinh thần và nghị lực của Ngài năm xưa.
Tứ Tuế Viễn Dương Vi Thuyết Khách
四 歲 遠 洋 為 說 客
Bát Niên Nhung Mạc Tác Huân Lao
八 年 戎 幕 作 勳 勞
(Bốn năm gian khó vượt biển xa thuyết khách. Tám năm trận mạc làm nên công trạng lớn)
Nguyện cầu Đức Ngài anh linh an nhiên tự tại tiêu dao tiên cảnh.
Phò hộ cho quốc thái dân an, con cháu miên trường cát khánh, ngày càng hưng thịnh, hiếu nghĩa, thuận hòa, chung tay góp sức đoàn kết một lòng để xứng đáng là hậu duệ của đấng anh hùng.
Quoc Lien