Lê Quang Định là một trong những danh thần có tài vào đầu thời vua Nguyễn.
Ông có tên chữ là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai, là người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên (nay là huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Cha ông tên là Sách, làm một chức quan nhỏ nhưng mất sớm ở nơi làm quan. Mồ côi, nhà nghèo, nên ông cùng với anh là Hiến, đi vào Gia Định, ngụ ở Bình Dương, dần lớn lên, ông thông minh, ham học, một thầy thuốc là Hoàng Đức Thành thấy thế mà quý trọng, gả con gái cho. Ông cùng Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm… là học trò của Xử sĩ Võ Trường Toản – Một danh sư nổi tiếng học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người ở xứ Đàng Trong cuối thế kỷ 18.
Lê Quang Định cũng là nhà thơ có tiếng trong nhóm Sơn Hội ở Gia Định. (gọi là Sơn Hội vì gồm nhiều vị mà tên tự hoặc hiệu có chữ Sơn, như Trịnh Hoài Đức tự là Chỉ Sơn, Ngô Nhơn Tịnh tự là Nhữ Sơn, Hoàng Ngọc Uẩn tự là Hối Sơn, Diệp Minh Phụng hiệu là Kỳ Sơn). Ông cùng với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh là bạn thân với nhau lập ra Bình Dương Thi Xã, được người đương thời xưng tụng là Gia Định Tam Gia – ba người tài của đất Gia Định.
Khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh lấy lại được Gia Định, năm Mậu Thân (1788), chúa cho mở khoa thi để kén nhân tài. Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức cùng ra ứng thí và cả hai ông cùng đỗ một khoa, đều được bổ dụng vào làm Hàn lâm viện chế cáo, rồi ra làm chức Điền tuấn, đi tuần các huyện khuyên bảo người dân làm ruộng trồng dâu. Năm Quý Dậu 1789 Hàn lâm chế cáo Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được cử làm Đông Cung thị giảng – là thầy dạy học cho Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh.
Sau đó, Lê Quang Định được thăng lên làm Binh bộ hữu tham tri. Năm Giáp Dần (1794) ông cùng đại binh đi đánh trận liền mấy năm.
Năm này Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh đang trấn thủ Diên Khánh, thu phục Phú Yên. Tại địa phận thôn An Mỹ, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, dinh Phú Yên, ông có thơ vịnh và ghi lại trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí như sau:
Phú Yên điền địa tịch
Sơn dã biến tang ma
Tráng lão cơ xuy mạch
Hành nhân khát mãi qua
Lâm sơ triêu phóng mã
Thủy thiển vãn phù tra
Lĩnh thụ ngưng vương khí
Thời kinh đế tử xa
Nguyên văn chữ Hán:
富 安 田 地 穸
山 野 遍 桑 麻
壯 老 饑 炊 麥
行 人 渴 買 瓜
林 疎 朝 放 馬
氺 浅 晚 浮 槎
嶺 樹 凝 王 氣
時 經 帝 子 車
Phan Đăng dịch:
Đất đai nhỏ hẹp Phú Yên
Non cao đất bãi đã thành dâu gai
Trẻ già đói sẵn bắp khoai
Khách đường khát nước dưa đây đỡ lòng
Rừng thưa sớm cưỡi ngựa dong
Chiều xem sông cạn xuôi dòng bè xa
Cây rừng đọng khí vương gia
Gặp khi hoàng tử xe qua chốn này.
“Năm Giáp Dần (1794) ngự giá chinh phạt Tây Sơn, sai Hoàng Thái Tử cầm bộ binh từ Phú Yên đến đánh đồn Đất Cày, bề tôi đi tháp tùng có vịnh bài này, nay ghi lại cho biết.”
Năm Canh Thân (1800), ông cùng Nguyễn Văn Nhơn phò Đông Cung Cảnh ở lại giữ thành Gia Định.
Năm Gia Long năm thứ 1 Nhâm Tuất (1802), ông được triệu về, thăng Hiệp trấn Thanh Hoa, được thăng Thựơng thư Bộ binh sung làm Chánh sứ cùng với Giáp, Ất phó sứ là Lê Chính Lộ, Nguyễn Gia Cát đi sứ sang nhà Thanh. Đây là chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với bản thân Lê Quang Định, với nhà Nguyễn mà còn khắc một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Sứ đoàn Lê Quang Định là một trong những sứ đoàn đầu tiên của triều Nguyễn sang Tàu, mang trọng trách hết sức nặng nề và thiêng liêng, yêu cầu sự thừa nhận quyền tự trị nước Nam Việt của nhà Nguyễn, khẳng định cương vực, biên giới mới của lãnh thổ nước ta, gồm cả đất Việt Thường ngày xưa và những vùng đất mới do chúa Nguyễn khai phá. Chuyến đi sứ là một quá trình đấu trí khôn khéo, mềm mỏng nhưng quyết liệt và cuối cùng đã kết thúc thắng lợi. Vua nhà Thanh sai Án sát tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang phong và đổi lại Quốc hiệu. Quốc hiệu Việt Nam có từ đây.
Khi hết hạn đi sứ, Lê Quang Định trở về và nhận lại chức vụ cũ.
Đến năm Gia Long thứ 5 Bính Dần (1806), ông hoàn thành bộ sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí. Bộ sách miêu tả khá đầy đủ về trạm điếm, hành cung, cầu cống, bến đò, kênh rạch, khe suối, chợ buá, đền miếu, thành quách, di tích, nhân vật cửa biển, núi đồi, đèo đảo, biên ải trong cả nước, từ kinh sư trở vào Nam đến Hà Tiên, trở ra Bắc đến Lạng Sơn. Sách cũng ghi chép các giai thoại, truyền thuyết, thần tích, ca dao, thơ văn gắn với từng vùng rất đầy đủ và sinh động, tất cả 10 quyển chép tay. Sách làm xong, đem dâng lên, vua khen ngợi. Đây là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn, mở đầu cho các bộ địa chí có quy mô lớn và những phương chí sau này. Nét nổi bật nhất của bộ sách chính là việc ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ XIX.
Năm Gia Long thứ 8 Kỷ Tỵ (1809), ông lãnh chức Thượng thư bộ Hộ, kiêm coi công việc Khâm thiên giám (đài thiên văn). Vào năm Gia Long thứ 9 Canh Ngọ (1810), ông phụng sắc khâm định chương trình kiến canh điền bạ, chia ruộng làm 5 bậc, thuế thu làm 4 lần.
Năm Gia Long thứ 10 Tân Mùi (1811), ông được sung làm sứ trông coi Thụy thánh, Sơn lăng.
Đến năm Gia Long thứ 12 Quý Dậu 1813, ông bị bệnh nặng, vua sai Hoàng tử Kiến An Công – Nguyễn Phúc Đài thân đến hỏi thăm, lại sai Trung sứ mang cho thuốc thang tẩm bổ. Nhưng không được bao lâu thì Lê Quang Định mất, hưởng thọ 54 tuổi. Vua Gia Long lấy làm thương tiếc vô cùng. Hôm đưa đám nhà vua cử cả chiến thuyền đi hộ tống ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đến năm Tự Đức thứ 5 Nhâm Tý (1852) Lê Quang Định được liệt vào hạng Trung hưng công thần miếu. Hiện nay lăng mộ của Lê Quang Định và phu nhân ở gần chùa Thuyền Tôn – Núi Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế (*).
Lê Quang Định, là người tài thức tinh thông, minh mẫn, am hiểu chính thể, tính cẩn thận kín đáo, ít sự ham muốn, chữ viết tốt, thơ hay, vẽ khéo, vẽ lan trúc bằng thủy mặc rất giỏi, nét vẽ và bài thơ về xe của sứ thần đi, làm cho người nước Thanh phải khen thưởng. Trịnh Hoài Đức từng tập hợp thơ của mình và thơ của Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh làm ra đem khắc in, gọi tên là tập thơ của ba nhà ở Gia Định, lưu hành ở đời. Riêng Lê Quang Định còn có tập Hoa Nguyên Thi Thảo được làm chủ yếu trong chuyến đi sứ Tàu năm 1802 – 1803 mà Lê Quang Định là chánh sứ, bao gồm 74 bài thơ. Thi hào Nguyễn Du từng đánh giá cao và có nhiều lời bình cho tập thơ này. Tập thơ mở đầu bằng bài Lưu Biệt Bắc Thành Nguyễn Tổng trấn ghi lại sự kiện bắt đầu chặng hành trình vạn dặm và kết thúc là bài Khốc Tiên Phần ghi lại cảm xúc của ông khi đứng trước mộ cha mẹ sau khi kết thúc chuyến công du phương Bắc.
Danh Thần Lê Quang Định có hai người con là Lê Quang Dao và Lê Quang Dần. Lê Quang Dao làm quan đến chủ sự ty Cẩn tín, Lê Quang Dần làm quan đến Lang trung phủ Nội vụ phủ.
Một số bài thơ của Lê Quang Định
Trích: Năm Giáp Dần (1794) ngự giá đi đánh Tây Sơn từng đóng quân tại đây. Lúc ấy bề tôi đi theo có làm thơ rằng:
Hải chử Xuân Đài giáp ngạn viên
Giang thôn tịch lịch khởi xuy yên
Lãng hoa dũng thạch hoành cô dữ
Nhất điệp ngư châu xướng vãn thiên
Tạm dịch:
Bãi biển Xuân Đài uốn bẻ cong
Thôn xa mờ mịt khói bay vòng
Sóng hoa thành đa vây đảo chiếc
Một Lá thuyền cau hát giữa dòng
Lại có một bài như sau:
Duyệt nguyệt châu sư bạc tiểu thành
Xuân Đài ngạn thứ trở hưu binh
Ngân đăng dạ chiếu huỳnh phân ảnh
Kim cổ phong truyền đỗng hữu thanh
Vị nhẫn qua mâu thôi mật ấp
Tài tương can thích vũ ngu đình
Thư từ chính thị nhân trung vũ
Chỉ nhật trùng lai hả vĩnh thanh
Tạm dịch:
Suốt tháng thuyền quân đỗ bên thành
Xuân Đài bến trước tạm dừng binh
Ánh đêm sóng rọi đèn đom đóm
Giọng trống gió đưa tiếng dập dềnh
Nỡ để giáo gươm phiền thôn ấp
Bằng mang kiếm mác múa sân đình
Lòng nhân thường nghĩ trong võ lược
Thì chỉ hôm sau hẳn thanh bình
Khốc tiên phần
Phong thuỷ y nhiên tại,
Càn khôn tình phục tình.
Hữu thiên thuỳ phúc lý,
Vô nhật đáp sinh thành.
Thảo sái quy lai lệ,
Hoa hàm khứ biệt tình.
Hạnh phùng kim tế tảo,
Mệnh bút ký tâm thành.
Hoài Anh dịch:
Phong thuỷ vẫn y nguyên,
Đất trời theo tuần tiết.
Có trời ban phúc lành,
Ơn sinh thành để khuyết.
Cỏ rưới lệ ngày về,
Hoa ngâm tình khứ biệt.
May tảo mộ được kỳ,
Bút ghi lòng chí thiết.
Chú thích gốc: Tháng Sáu năm Giáp Tý đến phủ Quảng Nghĩa thăm mộ song thân khóc đề ở bình phong phía sau.
Tài liệu tham khảo:
– Đại Nam Thực Lục
– Đại Nam Liệt Truyện
– Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, NXB Thuận Hóa, 2003
– Gia Định Tam Gia, NXB Đồng Nai, 2006
Chú thích:
(*) Lăng mộ của Thượng thư bộ Hộ Lê Quang Định và Phu nhân đã hoang vu từ lâu, không người chăm sóc, được Nhúm Lửa Nhỏ (một tập thể hậu duệ của Nguyễn Phước Tộc và thân hữu, tự nguyện tìm kiếm lăng mộ thất tung) phát hiện vào giữa tháng 9 năm 2018. Có lẽ vì những lý do tế nhị nhưng thật bùi ngùi.