Phần 1 (Trích từ Đại Nam Thực Lục)

  1.   HOÀNG THÁI TỬ NGUYỄN PHÚC CẢNH  (2/3 /Canh Tý, 6/4/1780 – 7/2/Tân Dậu, 20/3 1801)

    皇     太     子     阮     福     景

Chân dung Đức Hoàng Tử Cảnh lúc bảy tuổi do họa sĩ Maupérin vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải, tại Pháp vào năm 1787 (Trang phục do Leonardo – Nghệ nhân của Hoàng hậu Marie Antoinette thiết kế)
Đây là bức chân dung duy nhất của Đức Ngài Hoàng Thái Tử của chúng ta

Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh, thường gọi là Hoàng Tử Cảnh (皇 子 景), là con của Chúa NGUYỄN PHÚC ÁNH – VUA GIA LONG và Nguyên Phi TỐNG PHƯỚC THỊ LAN – THỪA THIÊN CAO HOÀNG HẬU (con gái quan Ngoại tả Chưởng doanh Thái Bảo Quốc Công TỐNG PHƯỚC KHUÔNG. Tổ tiên là, người Bùi Xá, huyện Tống Sơn, buổi đầu theo Chúa Nguyễn Hoàng vào định cư tại Thừa Thiên, mẹ bà họ Lê, người An Quán, Quảng Nam. Năm 1774, khi Phú Xuân thất thủ, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần vào Gia Định, bà theo gia quyến đi theo. Năm Mậu Tuất – 1778, vua sắm sửa lễ cưới phong làm Nguyên Phi).
Ngài sinh ngày Tân Tỵ, 2 tháng 3 năm Canh Tý, tức ngày 6 tháng 4, năm 1780 tại Gia Định.
Năm Quý Mão 1783. Tháng 7 vua nghe tin Bá Đa Lộc ở Chăn Bon (Chantabun đất Xiêm) sai người đến mời Bá Đa Lộc là người Phú Lăng Sa (France – Pháp) thường qua lại Chân Lạp và Gia Định . Nhân đến yết kiến vua và xin giúp sức. Vua lấy lễ khách mà đãi, đến đây vua mới dụ rằng: “ Hiện nay giặc Tây Sơn chưa dẹp được, bốn mặt kinh đô còn nhiều đồn luỹ, mà đảo Thổ Chu và đảo Phú Quốc không chỗ nào được yên vận nước ta gặp bước gian truân, khanh đã rõ rồi, khanh có thể vì ta đi sứ sang Đại Tây nhờ đem quân giúp ta được không? Bá Đa Lộc xin đi. Hỏi lấy gì làm tin. Vua nói : “ Đời xưa các nước giao ước cùng nhau lấy con làm tin. Ta lấy con là Cảnh làm tin – Cảnh mới 4 tuổi lìa lòng mẹ, ta đem uỷ thác cho khanh, mong khanh khéo bảo hộ. Non sông cách trở đường xá gian nan, nếu có biến cố thì khanh nên giữ Cảnh mà tránh”. Bá Đa Lộc lại xin vâng mệnh. Vua và phi cầm nước mắt đưa con. Sai bọn phó vệ uý Phạm Văn Nhân và cai cơ Nguyễn Văn Liêm cùng đi. Cảnh đi rồi Vua bỏ ra một thỏi vàng 10 tuổi (khoảng 20 lạng) chặt đôi trao cho Phi một nửa, dặn rằng: “ Con ta đi rồi ta cũng đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào, hãy lấy vàng nầy làm tin”. (Năm Minh Mạng thứ nhất hình khắc vào thỏi vàng những chữ : Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão Đế Thiên Nhật Tín Vật. Tôn cất ở điện phụng tiên). (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển II)

Năm Giáp Thìn 1784 tháng 12 Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cùng Bá đa Lộc đem Hoàng Tử Cảnh sang tây. Năm ất tị 1785 tháng giêng. Hoàng Tử Cảnh sang tới Tiểu Tây dương (Thuộc địa Pháp ở ấn Độ) – Gặp khi trong nước Đại Tây có biến, bến đổ ở thành Pondichéry, nước Tiểu Tây. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển II).

Năm Bính Ngọ 1786 tháng 6 : Bá Đa Lộc đem Hoàng Tử Cảnh sang nước Đại Tây. Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cho Hồ Văn Nghị phụng biểu về hành tại Vọng Các báo tin, rồi ở lại hầu vua (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển II).

Năm Đinh Mùi 1787 tháng giêng : Vua trú ở hành tại Vọng Các người nước Butukê ( Nước Bồ Đào Nha – Portugal) là Antonmi đưa quốc thư cùng vài tay súng tây diễu hành tại lễ dâng, nói rằng Hoàng Tử Cảnh cầu nước ấy giúp quân hiện đã có 56 chiếc thuyền tại thành CôA (Goa, thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ) để giúp, lại đem lễ vật biếu vua Xiêm, và xin đón vua sang nước mình. Vua Xiêm thấy y giúp quân cho ta, rất không bằng lòng. Vua bảo kín Antonmi hãy về. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển III).

Năm Quý Dậu 1789, tháng 6, hoàng tử Cảnh từ nước Tây Dương về. Đầu là vua sai Cảnh sang Đại Tây cầu việc, trải hai năm mới đến nước ấy. Vua nước ấy đãi theo vương lễ, nhưng cuối cùng không thể giúp được, mới sai thuộc hạ là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn theo Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh về. Hoàng tử Cảnh từ khi vâng mệnh sang Tây, đã được bốn năm, vua để lòng thương nhớ, kịp được tin báo, tức thì sai Tôn Thất Hội đem binh thuyền ra cửa biển Cần Giờ đón về. Về đến nơi, vua vui mừng lắm, Thắng và Chấn đều xin ở lại làm tôi tớ. Vua cho, đều cho chức Cai đội và cho một nghìn quan tiền (Thắng, Chấn đều là tên của vua cho). (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển IV).

Năm Quý Sửu 1793 tháng 3, ngày Giáp dần, lập hoàng tử Cảnh làm Đông cung (14 tuổi), ban cho ấn Đông Cung. Sắc rằng : “Cha có con như trời có nguyên khí. Nguyên khí lớn lên, thì đạo trời mới thịnh. Họ có ngành như sông có nhánh, nhánh trên mà sâu, thì dòng sông càng xa. Cho nên thánh đế minh vương, đương lúc thái bình, còn nghĩ lập ngôi thái tử; huống nay đánh đông đánh tây, đương lúc dẹp loạn, há quên dựng người nối ngôi ! Nguyễn Phúc Cảnh là con cả của nhà, là vua sau của nước. Học thì lo cầu văn chương lễ nhạc, gần theo những bực hiền lương; đạo thì lo tìm tâm pháp thánh hiền, nhờ cậy các quan sư phó. Tuy trạc tuổi hãy còn non trẻ, việc nên chăng chẳng khác mọi người; nhưng gian hiểm đã từng trải quan, lịch số trời tất ở con đó. Nay lập làm Đông cung Cảnh quận công, để thống nhất lòng dân, hợp lời nghị luận. Phải làm cho tâm đức xứng ánh sáng của Tiền tinh, khiến cho người đời thấm ơn sâu của Tiểu hải (Tiền tinh là sao trước, Tiểu hải là biển nhỏ, đều chỉ ngôi Thái tử). Mưu hay để cho con cháu, hoa vàng rõ như nhật nguyệt sáng thêm, điềm lành vun đắp cơ đồ, lịch ngọc dài như càn khôn muôn thuở. Cho làm nguyên súy lĩnh dinh Tả quân, chỗ ở cho gọi là Súy phủ (sau gọi là Tân phủ), văn thư trao xuống cho gọi là giáo”
Vua cho rằng Đông cung còn trẻ tuổi, muốn được thái phó thái bảo tốt để giúp, bèn dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, 2 thị giảng, 8 Hàn lâm thị học, 6 Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử. Phàm Đông cung nói gì làm gì, thị học phải ghi hết, mỗi tháng một lần tiến lên vua xem, để xem đức nghiệp tiến ích thế nào. Lấy Hàn lâm viện chế cáo là Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm Đông cung thị giảng. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển VI).

Năm Quý Sửu 1793 – tháng 11, vua sai Đông cung nguyên soái Cảnh quận công trấn thành Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc và bọn thị học đi theo. Khiến Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám quân Trung dinh Tống Phước Đạm, Lưu thủ cai cơ quản suất Trấn Định là Mạc Văn Tô, Cai cơ đạo Tân Châu là Nguyễn Đức Thành cùng các tướng sĩ đi theo để điều bát. Khi đi nhà vua dụ Đông cung rằng : “Đất Diên Khánh bốn mặt đều là chiến trường, dân chúng lầm than lắm rồi. Ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới giành được miếng đất ấy. Con nên chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc, để đáp tấm lòng mong mỏi của dân và khiến quân giặc phải sợ. Con phải gắng làm như chính ta trông thấy”. Lại nói : “Đế vương từ xưa chưa ai là không học. Thế cho nên Thái Giáp làm được cháu hiền của Vua Thang, Thành Vương làm được vua giỏi của nhà Chu, cũng đều nhờ học mà nên đức. Khi việc binh rỗi con nên vâng theo sư phó, chăm đọc kinh sách, khiến cho sự học được sáng tỏ, nghiệp đức được tiến lên. Đến như đối với xung quanh thì nên gần người ngay thẳng, xa kẻ gian tà, thế mới gọi là sáng suốt biết người. Đi ra nên kính nhớ lấy”. Lại dụ Phạm Văn Nhân và Tống Phước Đạm giúp đỡ Đông cung, định nghiêm tướng lệnh, tự cai cơ trở xuống, không tuân mệnh thì chém.
Đông Cung Cảnh đến Diên Khánh, lại sai Mạc Văn Tô và Nguyễn Đức Thành đi Phú Yên hội đồng với bọn Vũ Văn Lượng trù tính việc quân. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển VI).

Tháng giêng năm Giáp dần 1794, chưởng dinh Hữu quân Nguyễn Hoàng Đức về đến Diên Khánh, dâng biểu nói rằng tướng sĩ bộ thuộc của mình đều xin lưu lại để giúp Đông cung. Vua khen, sai đem cho áo mùa xuân, sau lại triệu về.
Vua nghĩ đến sự khó nhọc của các trạm dọc đường, muốn cho họ đỡ sức, sắc rằng từ nay trở đi, phàm nhân việc được sai phải có ấn cấp của công đường hay của Đông Cung mới được trạm chuyển đệ. Ai lạm bắt một người trở lên thì luận tội theo quân pháp. Ban áo mùa xuân cho Thượng đạo tướng quân Nguyễn Long, Lưu thủ Phú Yên Nguyễn Văn Nhân, Hiệu úy Tả chi Vũ Văn Lượng và các tướng hiệu. Lại lấy ở kho nội thảng 10 cây gấm đoạn, cho đem đến Diên Khánh dụ Đông cung rằng như có tù trưởng người Đê đến yết kiến thì ban cấp cho.

Tháng 3 năm Giáp dần 1794, giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản sai tướng là Thái úy Nguyễn Văn Hưng và Tổng quản Trần Quang Diệu đem quân thủy quân bộ vào thành Quy Nhơn, gián điệp báo tin. Vua sai truyền dụ cho Đông cung Cảnh chỉnh đốn tướng sĩ, phòng bị nghiêm cẩn. Đông cung dâng biểu nói : “Quân lấy lương ăn làm đầu, nay lương quân ở Diên Khánh chỉ đủ dùng một tháng, sợ thiếu”. Vua liền sai quản Tiên phong dinh Nguyễn Văn Thành thống lĩnh binh thuyền chở hơn 4 vạn phương gạo lương. Đến Vũng Tàu ngược gió chưa tiến được. Lại sắc cho Lưu thủ Bình Thuận Nguyễn Văn Tánh theo đường bộ chở 3.000 phương gạo kho đi suốt ngày đêm, để sẵn mà chi phát. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển VII).

Tướng giặc là Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 quân bộ xâm phạm Phú Yên. Lưu thủ Nguyễn Văn Nhân chạy báo cho Diên Khánh. Đông cung ra lệnh cố giữ để chờ viện binh. Nhân cho rằng quân ít không chống nổi, cùng với Vũ Văn Lượng, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành đều rút lui. Chợt có tin gián điệp báo rằng quân giặc đi đường núi xuống Ba Ngòi để triệt đường lương của ta. Đông cung bèn sai bọn Nhân thẳng vào Mai Nương để phòng bị. Việc tâu lên, Vua dụ giục Nguyễn Văn Thành đốc các thuyền lương tiến vào Bình Thuận và vẫn quản hai chi Túc Uy và Kiến Võ cứ chở gạo lương đến Diên Khánh. Sai Giám quân Trung dinh Nguyễn Văn Trương thay lĩnh binh thuyền để nghiêm việc phòng bị.

Tướng giặc Trần Quang Diệu đem thủy binh vào cửa biển Nha Trang, bộ binh của Nguyễn Văn Hưng cũng đến Bình Khang, bèn họp quân tiến sát thành Diên Khánh, vây ba mặt. Đông cung triệu Vũ Văn Lượng về thành chống giữ, sai Nguyễn Văn Nhân đóng đồn Long Cương (Gò Rồng), Mạc Văn Tô và Nguyễn Đức Thành đóng đồn ở Ba Ngòi, Nguyễn Long đóng đồn ở Thượng đạo, để chặn đường không cho giặc thông viện. Quân Nguyễn Văn Thành đến, bèn cùng Nhân tiến đóng ở các xứ Phong Lộc và Cầu Dài (Trường Kiều). Giặc đánh thành liền mấy ngày, súng trong thành bắn ra quân giặc chết và bị thương rất nhiều. Vua nghe tin, bèn thân cử đại binh đi đánh, sai chạy dụ cho Đông cung rằng: “Giặc cậy đông mà kiêu, không đáng lo. Con nên cùng các tướng giữ thành cho vững, không bao ngày nữa đại binh sẽ tới. Nếu bỏ thành ấy thì từ Chánh phó tướng trở xuống đều lấy quân pháp trị tội”.

Giặc nghe tin đại binh đến, tức thì giải vây Diên Khánh, quân thủy chạy về Quy Nhơn, quân bộ lui về Phú Yên. Vua được tin liền dụ cho Nguyễn Văn Thành đều đem quân theo Đông cung điều bắt, đuổi chặn, để Nguyễn Đức Thành ở lại giữ thành Diên Khánh.

Tháng 5, thuyền vua tiến đóng ở cửa biển Xuân Đài, sai Võ Tánh đem quân đánh giặc ở chợ Hội An, giặc tan vỡ, bỏ đồn lùi giữ Thị Dã. Bộ binh của Đông cung và bọn Nguyễn Văn Thành vừa đến. Vua với Tánh về mà sai Nguyễn Văn Thành kiêm quản cả Nguyễn Long, Võ Văn Lượng, Mạc Văn Tô, Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Văn Lợi do các xứ Hà Nha, An Tượng ở thượng đạo mà đánh sau lưng giặc, vẫn theo lệnh tiết chế của Đông cung.

Thuyền vua tiến đến cửa biển Thị Nại. Sai Tôn Thất Hội lãnh quân các vệ đánh các bảo Tiêu Cơ, Mai Nương, đều lấy được. Giặc tan chạy. Ta bắt được hơn 40 cỗ đại bác và khí giới không xiết kể. Phó tướng Tiền quân Nguyễn Văn Thư bị trúng đạn chết (Sau tặng Chưởng dinh). Hội sai cai cơ Nguyễn Đình Đắc đuổi theo tới núi Tam Tòa, bắt được 800 quân giặc. Tổng quản giặc là Trần Quang Diệu và Đổng lý giặc là Nguyễn Văn Thận đem 8.000 quân chia đóng ở Nhạn Châu (Bãi Nhạn), Sâm áo (Vũng Sâm). Quân ta lại đánh vỡ, giặc chết và bị thương rất nhiều. Thủy quân ta chặn ngang cửa biển. Thái úy giặc là Nguyễn Văn Hưng, thống lĩnh là Nguyễn Văn Chân ở trong cửa biển chẹn chỗ hiểm chống giữ. Hộ giá Nguyễn Văn Huấn giữ chợ Vân Sơn và Điểm Kiểm Trấn Viết Kết giữ bảo Hà Nha để chống bộ binh ta. Đông cung dâng biểu xin chia đường tiến đánh. Vua dụ rằng : “Thủy binh giặc đương khốn với ta, tiến lui đều khó. Thủy thua thì bộ cũng thua theo, việc gì mà lo. Con nên ra lệnh cho Nguyễn Văn Thành cùng các tướng tùy địa thế đặt đồn bảo ở khoảng La Thai và Hà Nha, lại đặt thêm trọng binh ở Cù Mông, hễ giặc tiến thì ta lùi, giặc lùi thì ta tiến, làm thế “bạng duật tương trì”, chờ khi ta phá được thủy binh giặc thì bấy giờ sẽ đánh úp lấy thành Quy Nhơn, dễ như trở bàn tay vậy”.

Tháng 6, sai Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Nhân đem binh thuyền đánh giặc ở cửa biển An Dụ, cướp được hơn 10 chiếc thuyền lương, thừa thắng tiến thẳng đến cửa biển Đại Cổ Lũy (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), đánh kho Phú Đăng. Tiết độ giặc là Nguyễn Văn Giáp thua chạy, [quân ta] vét hết lương thực rồi trở về. Sai Vệ úy Phan Văn Triệu, Ôlivi( Olivier), Trần Văn Tín, Lê Văn Duyệt, Cao Văn Lý cùng Cai đội quản Xiêm binh Nguyễn Văn Tổn và Cai cơ Trương Văn Phụng, đều đem quân bộ thuộc theo Đông cung điều bát đánh giặc.

Bộ binh của Đông cung từ thượng đạo đánh úp phá được ba bảo Hà Nha, Thị Dã và Chủ Sơn, bắt được hơn 2.000 quân giặc. Điểm kiểm giặc là Trần Viết Kết lùi chạy. Nguyễn Văn Thành khinh suất tiến theo, gặp phục binh nên bị thua. Quân ta bèn giữ bảo Hà Nha. Vua thấy thủy binh giặc giữ thế hiểm, chưa đánh phá vội được, mà lại gió to sóng lớn, thuyền ghe khó ở lâu được bèn sai Tôn Thất Hội và Võ Tánh đem hết binh thuyền về đậu ở cửa biển Xuân Đài, mật dụ Đông cung đem quân về bảo Tân Thị (Chợ Mới) để đợi ngự giá. Nguyễn Văn Thành quản các vệ đóng ở La Thai để phòng giặc.

Tháng 8, vua thấy Đông cung ở lâu chốn biên thành, sai đem tướng sĩ dinh Tả quân về Gia Định trước.
Năm Giáp Dần 1794 tháng 9. Lấy Đặng Trần Thường làm Hữu tham tri Lại bộ. Thường là người Chương Đức xứ Sơn Nam Thượng (nay thuộc tỉnh Hà Nội), đỗ sinh đồ triều Lê, gặp loạn phải ẩn tích, hăng hái có chí lớn. Mùa đông năm ngoái cùng người đồng quận ở Thanh Oai là Nguyễn Bá Xuyến theo Nguyễn Đình Đắc vượt biển đến. Khi qua thành Diên Khánh, vái Đông cung Cảnh mà nói rằng : “Chưa gặp được vua nên không dám lạy” Đông cung hậu đãi. Khi đến Cần Giờ, Đình Đắc trước sai người đem tờ biểu của Thường thảo dâng lên. Vua lấy làm lạ, giục dẫn vào yết kiến, hỏi về sự thế ở Bắc Hà, Thường trình bày mọi điều đều hợp ý vua. Vua cho 300 quan tiền, 100 phương gạo. Trong chiến dịch Thị Nại, Thường theo bàn việc quân. Đến đây được cất lên chức ấy. Nguyễn Bá Xuyên cũng bổ làm cai đội, sai vâng chỉ trở về Bắc Hà chiêu dụ hào kiệt.

Tháng 11 nhuận, Giám quân Trung dinh là Khâm sai cai đội Tống Phước Đạm chết. Đạm là người trầm tĩnh nhiều mưu lược. Việc từ Vọng Các hồi loan do Đạm hết sức đề nghị. Vua rất quý trọng. Mùa đông năm ngoái, theo giúp Đông cung trấn thành Diên Khánh, hiệu lệnh nghiêm minh, không nể người thân quý. Mùa thu này Đông cung trở về, Đạm vì có bệnh ở lại, đến đây chết, đưa quan tài về Gia Định, làm lễ hậu táng. Cấp cho 5 người mộ phu. (Đạm người Hương Trà, năm Minh Mệnh thứ 5 được tòng tự ở Thế miếu, năm thứ 13 phong Tuân nghĩa hầu).

Tháng 2 năm Ất mão (1795). Vua thân đem thủy quân cứu viện Diên Khánh, để Đông cung Cảnh ở lại trấn Gia Định. Lấy Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám thành sứ Tô Văn Đoài, Lễ bộ Nguyễn Đô, Tham mưu Nguyễn Thái Nguyên, Hộ bộ Phan Thiên Phước, Hình bộ Nguyễn Văn Nghị giúp. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển VII)

Năm Ất Mão 1795 tháng 4. Vua thấy quân đi đánh lâu ngày, phí tổn rất nhiều, sắc cho Đông cung và các quan lưu trấn theo sổ đinh sổ điền bốn dinh mà thu số gạo thị nạp, chở đến quân thứ. (Điền hộ thì thu thêm một kỳ gạo thị nạp, các hạng dân thực nạp, biệt nạp, biệt tái (Dân nộp thuế chở riêng) cùng phủ binh, thuộc binh và lạc tòng quân mà chưa tòng chinh thì mỗi người nộp 2 phương gạo).

Tháng 10 năm Ất Mão 1795, mùa đông, sai Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân phụ đạo Đông cung. Dụ rằng : “Đông cung là ngôi trừ nhị (Ngôi sẵn để làm vua), tuổi còn non trẻ, tuy công phu học vấn vốn nhờ giảng viện, nhưng nhiệm vụ giúp bảo (phụ đạo) là ở đại thần. Tướng sĩ giáp binh dinh Tả quân cho khanh vẫn quản lãnh như trước, còn việc trong môn đình của Đông cung, như quan lại, liêu thuộc, thị vệ, tôi tớ, hết thảy mọi việc đều ủy cho khanh. Cốt sao giúp đỡ Thái tử, hun đúc đức tốt, chẳng những trong khi nói năng nghĩ ngợi sao cho ít lỗi, lại mong mọi việc quốc gia thảy đều biết cả, đừng để cho chỉ Y Doãn nhà Thương và Thiệu công nhà Chu được tiếng tốt riêng về trước”.

Tháng 12 năm Bính thìn (1796)
Bắt đầu đúc tiền Gia Hưng thông bảo. Các đội Tiểu sai Tiểu hầu nhiều kẻ giả được sai xuống làng lừa dối kiếm lợi, Đông cung Cảnh dâng sớ hết sức trình bày tệ ấy, lời rất thiết đáng. Vua khen. Sai cứ theo việc mà giết đi ; ai nghe thấy cũng đều vui sướng. Sau đó có đội Tiểu hầu xuống dinh Phiên Trấn thu tiền chiếu của xã dân, Hậu quân Võ Tánh nghe biết, nói với Đông cung xin đem việc tâu lên. Đông cung nói rằng : “Việc đó có nội chỉ, không phải tự bọn nó làm”. Tánh nói : “Súy phủ là ngôi thái tử của nhà nước, bọn Tánh làm bầy tôi thân của nhà nước, việc gì bất tiện thì phải tâu ngay, nếu cứ dạ dạ vâng vâng thì không thể gọi rằng nhà có con biết can, nước có tôi biết can được. Nếu súy phủ không nói thì Tánh cùng Tiền quân Hội cũng phải nói, quyết không dám bưng miệng nín lặng để phụ nhà nước. Huống chi cái tệ riêng của kẻ sai dịch ngày trước súy phủ đã xin trừ, đã được chúa thượng khen nhận và xuống lệnh cấm hẳn. Nay bọn kia lại đem việc ấy mà cầu xin được chỉ, chẳng hóa ra để người ngoài đồn rằng bọn tiểu sai chống lại súy phủ à?”. Đông cung liền đem việc ấy tâu. Vua lại ra lệnh cấm. (ĐẠI NAM THỰC LỤC – Chính biên – Đệ Nhất kỷ – Quyển IX).

Nguyễn Phước
Liên Quốc