Một danh nhân mà các bộ sử chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đã xác nhận lời nói của ông một cách quả quyết và trang trọng như sau:
“…Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại. Chúa hiểu ý”. (Đại Nam Thực Lục – Thực lục về Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế).
Hoặc:
“…Đức Thái Tổ Hoàng Đế bản triều bị họ Trịnh bức, muốn dời đi nơi khác, sai người đến hỏi, ông có câu trả lời: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Sau bản triều ở Nam gây dựng được cơ nghiệp, quả đúng như lời của ông, vì ông tinh về môn học lí số. Sứ thần nước Thanh Chu Xán có câu khen ông rằng: “An Nam lí học hữu Trình Tuyền”. Sau khi mất, người làng lập đền thờ.” (Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam Nhất Thống Chí)
Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮 秉 謙 sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định; thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lân, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã tiếp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Ông có huý là Văn Đạt 文 達, tự Hanh Phủ 亨 甫, hiệu Bạch Vân am 白 雲 庵, Bạch Vân cư sĩ 白 雲 居 士, Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất thần kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời cơ. Đến lúc nhà Mạc thay nhà Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thí và đậu Trạng nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi.
Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn lấy cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, vì muốn tác động đến thời cuộc, ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Ông từng theo quân Mạc đi chinh phạt. Ông cũng từng bày mưu tính kế giúp nhà Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì vậy từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình Quốc Công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo ấn từ quan.
Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học. Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, v.v… người phò nhà Mạc, người theo nhà Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính là bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, nhà Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu, nhằm ngày 17.1.1586. Học trò truy tôn là Tuyết Giang Phu Tử 雪 江 夫 子.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thái Ất thần kinh”, “Sấm ký”, “Bạch Vân Am thi văn tập”, những huyền thoại và di chỉ của ông đã lưu lại cho dân tộc Việt Nam một tài sản văn hoá vô giá.
Trong Bạch Vân Am thi tập 白 雲 庵 詩 集, tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán của Trình Quốc Công có bài Cự Ngao Đới Sơn 巨 鰲 戴 山, có đoạn cho thấy tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Trạng Trình từ 500 năm trước:
…
萬 里 東 溟 歸 把 握,
億 年 南 極 奠 隆 平。
我 今 欲 展 扶 危 力,
挽 卻 關 河 舊 帝 城。
Phiên âm:
…
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.
Tạm dịch:
…
Biển Đông vạn dặm giang tay giữ,
Nước Nam muôn thuở vững trị bình.
Ta nay muốn trổ sức phò khốn,
Đòi lại biên cương những luỹ thành.
TRI ÂN MỘT TÀI HOA ĐẤT VIỆT