Đăng vào lúc : 21/11/2018 Được đăng bởi : Quoc Lien
- KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ 畿 外 侯 彊 柢 (1882 – 1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu đời thứ 4 của Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh), là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Tộc danh là Nguyễn Phúc Cường Để, sinh ngày 11 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (28 tháng 2 năm 1882) tại Huế, là con trưởng của Hàm Hóa Hương Công – Tăng Nhu. Được tập Tước Kỳ Ngoại Hầu nhưng không xuất sĩ.
Kỳ Ngoại Hầu còn có biệt danh là Nguyễn Phúc Dân, Nguyễn Trung Hưng, Lâm Đức Thuận (Omoriku), Nam Nhất Hùng (Minami Kazuo). Là cháu trực hệ của hoàng tử Cảnh, tức là cháu dòng đích 5 đời của vua Gia Long (*). Do hoàng tử Cảnh mất sớm, ngôi vua truyền cho hoàng từ Đảm, tức vua Minh Mạng.
Mang trong mình dòng máu hoàng tộc chính thống, nên Hàm Hóa Hương Công được các nhà ái quốc như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đã có kế hoạch liên lạc để lập lại ngôi vua, thay cho vua Khải Định vì vị vua này hợp tác với thực dân Pháp. Tuy nhiên vì lý do tuổi già, Hàm Hóa Hương Công từ chối, nhưng giới thiệu Kỳ Ngoại Hầu thay mặt tham gia phong trào. Biệt danh Nguyễn Trung Hưng của Kỳ Ngoại Hầu có từ đó.
Vào năm 1894 khi mới 13 tuổi. (Sau sự kiện Thất thủ Kinh đô 23 – 5 Ất Dậu – 1885, vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành ra Tân Sở ban dụ Cần Vương. Đến năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày). Phan Đình Phùng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê đồng thời là người đốc thúc và phối hợp phong trào Cần Vương của cả nước, cho người vào Huế mời Hàm Hoá Hương Công – Tăng Nhu ra thay vua Hàm Nghi. Vì cớ tuổi cao Hàm Hoá Hương Công ủy cho con là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đi thay mình. Phái viên của Cần Vương là Cử nhân Hồ Quý Châu, người Quỳnh Lưu, vào Huế để rước Kỳ Ngoại Hầu, chẳng may giữa đường lâm bệnh từ trần. Năm sau (1895), cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại. Vì thế mà Kỳ Ngoại Hầu lỡ mất cơ hội đầu tiên hiến thân cho tổ quốc.
Từ đó, Kỳ Ngoại Hầu quyết hiến thân cho sự phục quốc, bỏ hẳn lối học cử nghiệp, mà chuyên tâm nghiên cứu lịch sử địa dư và các môn học kinh bang tế thế.
Cháu năm đời, Nguyễn Phúc Dân,
Tước Hầu Kỳ Ngoại, văn thân trọng vì.
Thanh niên sùng bái Hàm Nghi,
Cần vương sĩ tử chỉ huy phong trào.
(Việt sử diễn ca)
- HỘI CHỦ DUY TÂN HỘI & PHONG TRÀO ĐÔNG DU
Năm Quý Mão (1903), Cụ Phan Bội Châu, bắt đầu vào Nam, ra Bắc để liên hệ và để thành lập một tổ chức cách mạng.
(Trong thời gian này, khâm sứ Huế muốn phế vua Thành Thái, đã thăm dò Kỳ Ngoại Hầu như là ứng viên thay thế, nhưng mãi bốn năm sau thực dân mới phế vua Thành Thái (1907), lúc đó Kỳ Ngoại Hầu đang ở Nhật Bản.
Một sự kiện là khi tìm người thay vua Thành Thái, một vị thượng thư trong triều đình đã đề nghị với người Pháp rước minh chủ Duy Tân hội Cường Để đang lưu vong ở Nhật về làm vua. Vị thượng thư đó là Nguyễn Hữu Bài.
Trong các đề nghị, đề nghị của thượng thư bộ Lại này là đáng chú ý nhất. Trong số các đồng sự, ông ta là người duy nhất đã minh bạch đề nghị là cần ưu tiên cho Kỳ Ngoại Hầu hiện đang hoạt động tại Nhật lên ngôi vua.
Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại Hầu và hơn 20 đồng chí khác họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm (tức là Nguyễn Tiểu La) tại Nam Thịnh sơn trang Thăng Bình, Quảng Nam, lập ra một tổ chức bí mật có tên là Duy Tân hội.
Kỳ Ngoại Hầu được mời làm Hội chủ để thu phục nhân tâm, tập hợp sĩ phu yêu nước và tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ của nhiều người trong nước. Còn Phan Bội Châu, Nguyễn Tiểu La, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân,Trình Hiền, Lê Võ…đều là những hội viên trọng yếu, đảm nhận mọi hoạt động của hội.
Các thành viên nòng cốt trong hội Duy Tân, sau khi bàn bạc đã đề xướng việc lập các hội nông, công, thương, để vừa tập hợp đoàn kết lực lượng, vừa lấy đó làm cơ sở kêu gọi thanh niên xuất dương và là cơ quan tài chính giúp đỡ phong trào Đông Du.
Năm 1905, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ (một thành viên cũ của phong trào Cần vương) xuống tàu thủy tại Hải Phòng, theo đường biển bí mật sang Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải rồi đi tới Yokohama, Nhật Bản.
Tháng Giêng năm 1906, Kỳ Ngoại Hầu xuất dương qua Nhật xin viện trợ và vũ khí để bí mật gửi về chống Pháp, nhưng việc không thành. Bị Nhật Bản từ chối giúp đỡ binh lực cho hội, Kỳ Ngoại Hầu và Phan Bội Châu đã chuyển hướng từ “cầu viện” sang “cầu học”, vận động phong trào Đông du.
Cụ Cường Để (đứng) và cụ Phan Bội Châu (ngồi) tại Nhật Bản, khoảng năm 1907
Ở Việt Nam, phong trào Đông Du đã được đông đảo người dân ở cả ba kỳ tham gia và ủng hộ, nhất là Nam Kỳ.
Ở Nam Kỳ, phong trào Đông Du đã nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của tri phủ Trần Chánh Chiếu. Ông này đã lập ra khách sạn Nam Trung để làm nơi gặp gỡ của nhưng người yêu nước, lập Minh Tân công nghệ xã, để vừa chấn hưng công thương nghiệp, vừa để có tiền ủng hộ phong trào Đông Du. Ngoài ra, với vai trò là chủ bút tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, ông Trần Chánh Chiếu tiến hành khẩn hoang ở vùng Tràm Chẹt thuộc huyện Giồng Riềng, xây cất phố xá ở chợ Rạch Giá và trở thành triệu phú lúc bấy giờ. Khoảng thời gian này, ông được bổ hàm Đốc phủ và được nhập quốc tịch Pháp, kể từ đây ông có tên mới là Gibert Trần Chánh Chiếu, gọi tắt là Gibert Chiếu. Ông còn cho đăng báo những bài có tư tưởng chống Pháp. Nhiều nhân sĩ khác ở đây cũng tích cực tham gia và hết lòng lo cho sự nghiệp chung như Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương v.v…
Các thành viên của phong trào còn sáng tác nhiều thơ ca yêu nước như: Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, Hải ngoại huyết thư, Việt Nam Quốc sử khảo, Tân Việt Nam (Phan Bội Châu), Viễn hải quy hồng (Nguyễn Thượng Hiền), Kính cáo toàn quốc (Cường Để), v.v…gửi về nước tuyên truyền cổ động nhân dân hưởng ứng phong trào.
- HỘI TRƯỞNG CỐNG HIẾN HỘI
Thời gian này, Kỳ Ngoại Hầu được vào học tại trường Chấn Võ Lục Quân Học Hiệu Ushigome cùng với với Nguyễn Thức Canh, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Điễn, rồi trường Đại học Waseda. Ở đây Kỳ Ngoại Hầu giả dạng là người Tàu hoặc Nhật và dùng một số bí danh như Lý Cánh Thành, Lâm Đức Thuận, Nam Nhất Hùng nhằm tránh sự theo dõi của nhà chức trách Nhật và Pháp.
Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật du học lên tới khoảng 200 người, hầu hết đều vào học tại trường Đông Á Đồng Văn Thư Viện, sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Việt Nam Cống Hiến Hội.
Để tăng cường quản lý học sinh, giữa năm 1907, Kỳ Ngoại Hầu được cử làm Hội trưởng Cống Hiến Hội và Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm giám đốc trực tiếp chỉ đạo tổ chức này. Hội có 4 ban: Ban kinh tế, Ban kỷ luật (có nhiệm vụ theo dõi học sinh, đề nghị thưởng phạt), Ban giao tế (giữ việc giao liên lạc với nước ngoài và đưa đón người trong nước ra) và Ban văn thư. Uỷ viên của các ban chia đều 3 kỳ (mỗi kỳ một người). Ngoài ra, Hội còn lập ra Cục kê tra có nhiệm vụ giám sát các ủy viên và quyết định trích quỹ để cấp cho hội viên mỗi tháng Công Hiến Hội không chỉ là một tổ chức giám sát, duy trì kỷ luật của lưu học sinh, mà còn có chức năng giáo dục ý thức chính trị, ý thức dân tộc và phát huy tinh thần cách mạng của học sinh.
Lúc bấy giờ, các cuộc vận động duy tân ở trong nước của các tổ chức Duy Tân hội,
phong trào Duy Tân (phát động năm 1906) và Đông Kinh nghĩa thục (thành lập tháng 3 năm 1907) đã tạo nên một không khí cách mạng về dân trí rất sôi nổi.
Phong trào Đông Du cũng đã và đang lan rộng khắp Bắc, Trung, Nam và việc học tập của lưu học sinh ở Nhật cũng đã ổn định và đang phát triển thuận lợi.
Năm 1907 cũng là năm du học sinh Nam Kỳ bắt đầu sang Nhật. Các du học sinh Nam Kỳ thường lạy chào Kỳ Ngoại Hầu Cường Để năm lạy theo lễ quân thần mỗi lần hội kiến. Đó cũng là lý do xuất hiện tấm ảnh Cường Để và Phan Bội Châu.Vị Tổng lý ngồi trong khi Hội chủ lại đứng bên cạnh.
Tháng 3 năm 1908, trong nước phong trào Duy tân phát triển mạnh, đỉnh cao là phong trào “cự sưu khất thuế”, tức phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh khác, cùng vụ Hà Thành đầu độc tháng 6 năm 1908 đã gây ra tiếng vang lớn. Bị thực dân Pháp đưa quân đàn áp, nhiều hội viên trong phong trào Duy Tân bị bắt, bị xử tử trong số đó có Nguyễn Tiểu La, một yếu nhân của hội. Những người sống sót sau các đợt khủng bố đều phải nằm im, hoặc vượt biên sang Trung Quốc, Xiêm La, Lào để mưu tính kế lâu dài.
Mất mát này chưa kịp khắc phục, thì hai phái viên của hội là Hoàng Quang Thanh và Đặng Bình Thành lại bị Pháp đón bắt được khi từ Nhật về Nam Kỳ khi nhận tiền quyên góp cho phong trào Đông Du. Tiếp theo nữa là Pháp và Nhật vừa ký với nhau một hiệp ước (tháng 9 năm 1908), theo đó người Nhật do muốn vay 300 triệu franc từ chính phủ Pháp nên chấp thuận yêu sách của Pháp, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các các du học sinh thuộc phong trào Duy Tân người Việt Nam ra khỏi đất Nhật Bản.
Tháng 3 năm 1909, Kỳ Ngoại Hầu và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất.
Kỳ Ngoại Hầu phải rời bỏ Nhật sang Trung Quốc và lưu lạc một thời gian ở Xiêm với một hy vọng mới. Nhưng sau ba tháng quan sát, hy vọng này cũng tiêu tan. Nước Xiêm tiếng là độc lập, nhưng vẫn còn chịu thế lực của Anh, Pháp. Ngoại giao Pháp đã chặn đường vận động của Cách mạng Việt Nam tại Xiêm.
Di ảnh của Kỳ Ngoại Hầu – Cường Để. (Chất liệu sơn mài họa sĩ Kyamate)
- CHỦ TỊCH VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI
Thượng tuần tháng 5 năm Nhâm Tý (tháng 6 năm 1912), trong cuộc Đại hội nghị tại nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông (Trung Quốc), có đông đủ đại biểu khắp ba kỳ, đã quyết định giải tán Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang Phục Hội,
Mặc dù thay đổi, nhưng Phan Bội Châu vẫn duy trì Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong vai trò chủ tịch Việt Nam Quang Phục Hội, tức thay đổi tôn chỉ từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa dân quốc kiến lập Việt Nam, nhằm đáp ứng tình hình chuyển biến mới trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước.
Phong trào này liên hệ được một số đại thần lúc bấy giờ như Trần Đình Phác, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thuật, Đào Tấn…
Kỳ Ngoại Hầu về Nam kỳ đầu tháng 2 năm 1913 với mục đích cổ động phong trào Đông du cầu học và hoạt động cách mạng cứu quốc, suýt bị bắt mấy lần, rồi lại trở sang Hồng Kông cuối tháng 5 năm ấy. Các học viên của phong trào cũng theo ông sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động phản kháng Pháp. Tại đây Kỳ Ngoại hầu đã bị bắt giam 8 ngày và sau đó phải nộp tiền chuộc và bị buộc phải xuất cảnh.
Trong thời gian này Việt Nam Quang phục Hội đã cử một số người thi hành những bản án đối với những tên thực dân đầu sỏ và tay sai. Trong đó vụ ném tạc đạn vào Khách sạn Gà Trống Vàng trên phố Tràng Tiền Hà Nội vào tối ngày 26/4/1913 đã giết chết hai cựu sĩ quan Pháp nhằm đánh thức đồng bào, kêu gọi hồn nước… Trước đó, ngày 13/4/1913, hai chiến sĩ Quang phục hội khác đã ném bom giết chết Tuần phủ Hà Nội đã khiến thực dân Pháp thực sự choáng váng và tổ chức một cuộc vây ráp, bắt bớ quy mô lớn. Các cuộc bạo động, tuy xảy ra lẻ tẻ, nhưng vẫn khuấy động được dư luận trong và ngoài nước, làm nhà cầm quyền Pháp tăng cường khủng bố, khiến nhiều người bị bắt và bị giết. Bị kết tội chủ mưu, Kỳ Ngoại Hầu và Phan Bội Châu bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Từ tháng 9/1913 Kỳ Ngoại Hầu bôn ba ở Châu Âu (đến tháng 4/1914), Lúc ở Luân Đôn, Kỳ Ngoại Hầu phái người đến Paris để bí mật liên lạc với ông Phan Chu Trinh đang bị giam lỏng tại đó và điều tra tình hình học sinh cùng công nhân Việt Nam ở Pháp. Nhưng ông Phan Chu Trinh nghi ngờ là người của Pháp đưa đến để do thám hành tung của ông, nên không đạt kết quả. Cùng thời gian trên, Toàn quyền Albert Sarraut Đông Dương về Pháp với Marty (một tay trợ thủ đắc lực của Sarraut), coi việc trinh thám chính trị ở phủ toàn quyền Đông Dương, đã dùng nhiều thủ đoạn vặt để cám dỗ Kỳ Ngoại Hầu, lấy ảnh của Hoàng Tử Cảnh phóng đại đem thờ để tỏ ý thân thiện, nhưng dù thủ đoạn có khéo đến đâu, cũng không làm Kỳ Ngoại Hầu thay lòng đổi chí.
Lúc đó ở Quảng Đông, Phan Bội Châu bị bắt vào ngày 24 tháng 12 năm 1913. Nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên không bị giao nộp ông cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, nhưng mãi đến tháng 2 năm 1917, mới được giải thoát
Từ Anh Quốc, Kỳ Ngoại Hầu tới Bắc Kinh tháng 6 năm 1914, đến tháng 5 năm 1915 rời Bắc Kinh.
Mùa thu năm 1915 Kỳ Ngoại Hầu trở về Nhật Bản, lấy tên là Lâm Đức Thuận (Omoriku), cư ngụ ở phường Ômori, Tokyo, giao du với những chính khách Nhật như Inukai Tsuyoshi, Kashiwabara Buntaro, và Matsui Iwane. Những nhân vật này cũng tham gia hiệp hội Kissaragi Kai với chủ trương ủng hộ tinh thần và tài chánh cho Kỳ Ngoại Hầu. Trong đó đáng kể nhất là ông Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), một ân nhân của Kỳ Ngoại Hầu và Phan Bội Châu. Sau này làm Thủ tướng Nhật và bị ám sát vào ngày 15 – 5 – 1932.
Năm 1919 Kỳ Ngoại Hầu từ Nhật sang Tàu gặp Phan Bội Châu yêu cầu Đoàn Kỳ Thụy (một chính khách quan trọng của Trung Quốc thời Thanh mạt và đầu Trung Hoa Dân Quốc) viện trợ nhưng không thành công. Kỳ Ngoại Hầu lại quay về Nhật còn Phan Bội Châu đi Hàng Châu.
Tháng 8 năm 1923, Kỳ Ngoại Hầu qua Quảng Đông, đến tháng 9 lại qua Hàng Châu cùng Phan Bội Châu gặp ông Nguyễn Thượng Hiền đang ẩn cư tại đây.
Thời kỳ này, tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội phân thành các nhóm hoạt động riêng rẽ. Một bộ phận hình thành nên tổ chức Tâm Tâm Xã, tổ chức này chủ trương bạo lực, (thành lập năm 1923) điển hình là vụ ném lựu đạn để ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin ngày 19 tháng 6 năm 1924 của Phạm Hồng Thái, tại tô giới Sa Diện – Quảng Châu nhưng không thành. Tâm Tâm Xã sau đó chuyển thành hạt nhân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Ngày 30 tháng 6 năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt cóc tại Thượng Hải, sau đó đưa về quản thúc tại Huế. Sau vụ này chẳng những không tiêu diệt nổi cách mạng Việt Nam, mà lại làm sôi nổi thêm phong trào tranh đấu khắp đất nước.
Cuối năm 1931, sau khi nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc, Kỳ Ngoại Hầu từ Nhật Bản có gửi thư và tiền cho Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc ốm nặng.
- VIỆT NAM PHỤC QUỐC ĐỒNG MINH HỘI (PHỤC QUỐC HỘI)
Mãi đến giữa thập niên 1930, với sự giúp đỡ của Matsui Iwane, một tướng lĩnh cao cấp Lục quân Nhật Bản, Kỳ Ngoại Hầu nhiều lần từ Nhật Bản sang Trung Quốc để liên lạc lại với các nhóm Quang phục Hội, nhằm tái lập lại tổ chức. Từ năm 1936, tổ chức hoạt động trở lại với tên Việt Nam Độc Lập Vận động Đồng minh Hội, đến năm 1938 thì mật thám Pháp ở Nam Kỳ phát hiện sự hoạt động của Hội dưới tên Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội. Tuy nhiên mãi đến tháng 3 năm 1939 ở Thượng Hải, Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Kỳ Ngoại Hầu và sự ủng hộ của Nhật Bản Hội mới chính thức ra mắt. Tổ chức này phát triển mạnh ở Nam Kỳ, nhất là trong cộng đồng Cao Đài nên một vị chức sắc Cao Đài là Trần Quang Vinh được bầu là phó hội trưởng. Những tên tuổi khác tham gia trong Hội là Trần Phúc An (Trần Hy Thánh), Hoàng Lương (Đỗ Văn Tuân), Đoàn Kiểm Điểm.
Ban Chấp hành Trung ương của Hội có:
Vũ Hải Thu (Nguyễn Hải Thần),Trần Hữu Công (Nguyễn Thức Canh tức Trần Trọng Khắc), Trương Anh Mẫn (Nguyễn Thượng Hiền), Trần Hy Thánh (Trần Văn An, còn có
tên tiếng Nhật là Shibata), Hồ Học Lãm, Hoàng Nam Hùng, Đặng Nguyên Hùng.
Được bổ nhiệm tập hợp nhân sự ở Trung Hoa có: Hoàng Nam Hùng, ở Xiêm: Mai Văn Thông, ở Nam Kỳ: Trần Quang Vinh và Trần Văn Ân, ở Trung Kỳ: Ngô Đình Diệm và Phan Thúc Ngô, ở Bắc Kỳ: Dương Bá Trạc, Nguyễn Xuân Chữ và Lê Toàn.
Ngoài cơ quan chính trị, Phục Quốc Hội còn có lực lượng vũ trang dưới tên Việt Nam Kiến Quốc Quân, do Trần Trung Lập làm tổng tư lệnh. Chính lực lượng khoảng 500 quân này đã theo Sư đoàn 5 của Quân đội Nhật Bản tiến chiếm Lạng Sơn vào tháng 9 năm 1940 để áp lực Pháp ngưng chuyển vận quân nhu cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Khí giới bắt được từ quân Pháp được phát cho quân Việt và quân số của Kiến Quốc Quân tăng lên hơn 1.500 quân. Ở Đồng Đăng Kiến Quốc Quân thành lập chính phủ lâm thời Việt Nam.
Sau đó ngày 25 tháng 9 năm 1940, Pháp và Nhật điều đình rồi tuyên bố hưu chiến. Nhật thả tù binh Pháp và thương lượng để Nhật rút khỏi Lạng Sơn vào tháng 10 nhưng Trần Trung Lập thì quyết tử thủ. Công sứ Paul Chauvet được Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux phái lên Lạng Sơn mở cuộc càn quét và chủ tọa Hội đồng đề hình xét xử những người bị bắt. Sau hai tháng giao chiến Trần Trung Lập bị Pháp bắt ở Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang năm 1940 và bị xử bắn ở Lạng Sơn.
Hai mươi bảy đồng chí khác trong đó có một phụ nữ, vợ của chiến sĩ Vũ Nhân thì bị xử tử ở Vân Nham, tỉnh Bắc Giang. Đoàn Kiểm Điểm và hàng trăm chiến sĩ khác cũng bị giết hại. Một số quân do Hoàng Lương và Nông Quốc Long chỉ huy rút được sang Quảng Tây nhưng bị Quân đội Trung Hoa Dân Quốc bắt và giải giới vì cho là thân Nhật.
Vì thiếu thông tin, Kỳ Ngoại Hầu cả tin vào nước Nhật “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. Đồng thời không quản được nhiều cộng sự đã nhân danh Kỳ Ngoại Hầu cộng tác với quân đội Tưởng Giới Thạch, rồi thực dân Pháp, làm hoen ố thanh danh của Kỳ Ngoại Hầu (như kẻ phản bội Phan Bá Ngọc, Lê Dư). Sau đó vì thấy họ không thật tình muốn giúp người Việt mà chỉ muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc Tây phương tại Á Đông, Kỳ Ngoại Hầu đã thất vọng.
Do hành động chính trị xoay chiều của người Nhật, rất nhiều lãnh đạo quan trọng của Phục Quốc Hội đã ly khai, tìm hướng hoạt động khác. Một bộ phận chuyển sang hoạt động với Việt Nam Quốc Dân Đảng hay chuyển hướng sang Đại Việt Quốc Gia Liên Minh Hội của thập niên 1940.
Mặc dù vậy, người Nhật vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động của Phục Quốc Hội nhằm phục vụ cho nhu cầu chính trị của họ ở Đông Dương. Tại nội địa, hoạt động của Phục Quốc Hội chủ yếu tại Nam Kỳ, dưới sự bảo trợ của lãnh đạo Cao Đài Trần Quang Vinh. Chính lực lượng bán vũ trang Cao Đài đã tham gia cùng quân đội Nhật trong việc đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 Tháng 3 năm 1945. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền kiểm soát tại Đông Dương, người Nhật duy trì ngôi vị của Hoàng đế Bảo Đại và ngừng các hoạt động bảo trợ với Phục Quốc Hội. Mất chỗ dựa quan trọng và thiếu cơ sở trong nước, tháng 4 năm 1949 đảng tái lập tại Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng Phục Quốc Hội bị tan rã hoàn toàn sau khi Kỳ Ngoại Hầu mất năm 1951.
(Mời xem Phần 2. Click vào đây)
Admin: Quoc Lien
FacebookGmailChia sẻĐĂNG TRONG: TƯ LIỆU LỊCH SỬSỬA ĐỔI