Ngày xưa, các vị Hoàng Đế có nhân đức đều xem các thiên tai, địch hoạ nghiêm trọng xảy đến với quốc gia, là bài học cảnh tỉnh do trời cao giáng xuống, xem tất cả bệnh dịch, hạn hán, hỏa hoạn, bão lụt… mà dân chúng phải chịu, đều là do bản thân đã phạm lỗi mà thành, bởi vì sách lược cai trị của chính mình không tốt nên người dân phải chịu nhận sự trừng phạt của trời.

Đó là tư duy trị quốc của các vị minh quân xưa. Do đó khi thật lòng vì dân mà cầu khấn, đức độ của một vị Hoàng Đế sẽ làm cảm động được cả đất trời, cũng chính là tự nhắc nhở mình cần tu nhân tích đức hơn nữa, dư âm của đức ấy cảm động đến trời, lan toả khắp nơi. Chúa Ngĩa 主 義, hay còn gọi là Nghĩa Vương 義 王 chính là một bậc Minh Quân như vậy. Đại Nam Thưc Lục Tiền Biên – quyển VI chép:


Bia định danh Lăng Trường Mậu

“Mùa đông, tháng 11 (năm Kỷ Tỵ 1689) trời hạn, cầu đảo các đền thần hơn tuần cũng chẳng được mưa. Chúa bèn sai các đội thuyền bơi đua. Chúa ngự một chiếc thuyền nhỏ không che tán lọng gì, đứng ở giữa trời thầm khấn. Ngày mai mưa xuống như trút. Chúa đứng ở giữa mưa trông lên trời mà vái tạ, áo bào ướt hết. Xa giá trở về, Chúa sai các quan sửa lễ để tạ các đền thiêng. Năm ấy lúa má được mùa, xa gần vui vẻ.”

Đức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Thái 阮 福 溙, là con thứ hai của đức Thái Tông Nguyễn Phúc Tần 阮 福 瀕 và Hoàng Hậu Tống Thị Đôi 宋 氏 堆, Chúa sinh ngày Giáp Thìn 21 tháng Chạp năm Kỷ sửu (22.1.1650). Người con trưởng của Đức Thái Tông là Nguyễn Phúc Diễn 阮 福 演 (mẹ là Hoàng hậu Chu Thị Viên 朱 氏 園, lúc mới lập làm thế tử, được trao chức Chưởng doanh) đã mất trước đó 3 năm, vào năm Giáp Tý 1684 lúc 45 tuổi, nên Ngài được lập làm Thế tử. Ngày 19 (Đinh Dậu) tháng 3 năm Đinh Mão (30.4.1687), Đức Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế băng. Triều thần vâng di mệnh tôn Chúa làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Phó Hoàng Quốc Công, lên nối ngôi lúc 38 tuổi.

Tháng 4, Chúa phong sắc cho các vị linh thần trong cõi, ban thưởng cho các quan văn võ theo thứ bậc. Chúa có tính hiền đức khoan hòa, xem trọng bậc hiền tài, quan lại cũ của triều trước đều được trọng đãi. Chúa quy định lại chế độ Quốc tang, bớt thời gian giúp việc quân việc dân được thuận lợi, ban chỉ dụ cho các quan khắp nơi chăm lo cho dân, bỏ ngay những việc trái phép, việc kiện tụng phải công chính, giảm nhẹ thuế dịch. Chúa muốn bồi dưỡng nhân tài, nên chăm lo việc thi cử học hành, bấy giờ các học trò nghe tiếng, ai cũng nức lòng:

“…Quan lại đã yên lành, nhân dân đều vui nghiệp. Phải nên suy rộng ơn huệ, để được thỏa tình nhân dân”.

Lệnh trên ban xuống, xa gần đều rất mừng nên người đương thời gọi Chúa là Chúa Nghĩa.

Đến tháng 7 năm Đinh Mão 1687, lấy phủ cũ ở Kim Long làm miếu Thái Tông, thờ Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Chúa Nghĩa cho dời dinh sang xã Phú Xuân rộng rãi, bề thế hơn, lấy núi Ngự Bình làm bình phong, đắp tường thành, xây dựng cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thành quách rất tráng lệ, nơi đây được gọi là Chính dinh, sau này trở thành kinh đô của triều Nguyễn. Chúa sai xây tháp ở bờ sông để trấn áp do thấy nước sông Hương ở thượng lưu chảy xói vào phía hữu ngạn.


Thái Tổ Miếu 太 祖 廟 hay Thái Miếu 太 廟 – Hoàng thành Huế

Muốn lân bang thần phục, Chúa cho lập binh chế hùng cường, xem trọng việc tuyển quân. Mỗi gia đình có con trai phải cống hiến cho triều đình một người. Mỗi người lính đều có súng ống, y phục và chu cấp lương tiền đầy đủ. Thời của Chúa, quân lính lên đến 4 vạn người. Phủ Chúa có hai đội kỵ binh gồm 400 người ngựa. Những lúc thao diễn nhân ngày khánh tiết, quân phục binh sĩ trông rất rực rỡ. Đội binh có những chiến thuyền to lớn, mỗi bên có 50 tay chèo, có mõ để đánh nhịp cho binh sĩ chèo. Họ thường mặc quần ngắn bằng thao trắng, đội nón chóp lông.

Từ ngày lên nôi ngôi Chúa, không còn mối đe dọa quân Trịnh từ mặt Bắc, lúc này nhà Mạc cũng đã bị tiêu diệt hoàn toàn, về phương Nam thì Chiêm Thành hàng năm thần phục triều cống, Chân Lạp thì giữ địa vị phiên bang.

Trong chín vị Chúa Nguyễn, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái là vị Chúa có thời gian trị vì ngắn nhất, chỉ chưa tròn 4 năm, (Phụ Vương của Chúa có thời gian trị vì xấp xỉ 40 năm).

Ngày 10 (Bính Thân) tháng Giêng năm Tân Mùi (7-2-1691) Chúa ốm nặng, triệu Thế Tử Nguyễn Phúc Chu đến bảo rằng: “Ta vâng theo Tiên Vương, vẫn mong sao nối theo được chí, làm theo được việc. Con nay kế nghiệp, nên noi công đức của Tổ Tông, cầu hiền đãi sĩ, yêu dân thương quân, đừng tin lời nói gièm pha, đừng bỏ những người ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn, đó là điều đại hiếu”. Thế tử lạy khóc vâng mệnh. Chúa lại triệu các thân thần, dặn dò về việc giúp đỡ thế tử. Hôm ấy Chúa băng, ở ngôi 4 năm, thọ 42 tuổi.

Năm Gia Long thứ 5 – 1806, Đức Thế Tổ truy tôn Chúa là: Thiệu Hư Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu Nghĩa Hoàng Đế 紹 休 纂 業 寬 洪 博 厚 溫 惠 慈 祥 孝 義 皇 帝 Miếu hiệu là Anh Tông 英 宗.

Lăng của Chúa Nghĩa có tên là Trường Mậu 長 茂, ở núi Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Lăng ở phía tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 1,5 km, trên một quả đồi cao. Lăng xoay mặt về hướng bắc, trước mặt có hồ sen rộng.


Lăng Trường Mậu 長 茂 của Chúa Nghĩa

Hậu của Chúa là Đức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Hậu 英 宗 孝 義 皇 后 húy danh là Tống Thị Lĩnh 宋 氏 領 (1653 – 1696). Quê ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con gái quan Thiếu phó Quận Công Tống Phúc Vinh, mẹ là họ Lê (không rõ tên). Hậu sinh năm Quí Tỵ (1653). Được vào hầu đức Anh Tông nơi tiềm để, sau được phong lên bậc Cung Tần, lúc Hậu mang thai có nhiều điềm lành cho biết sẽ sinh ra bậc kỳ tài. Khi sinh, ánh sáng lành rực rỡ khắp nhà. (Sau này là đức Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế). Hậu mất ngày 22 tháng 3 năm Bính tý (23.5.1696), thọ 44 tuổi, được phong tặng là Quốc Thái Phu Nhân, lăng ở làng Định Môn, Hương Trà, Thừa Thiên, tên lăng là Vĩnh Mậu 永 茂. Đức Thế Tổ truy tôn: Từ Tiết Tĩnh Thục Tuệ Mẫn Hiến Thuận Hiếu Nghĩa Hoàng hậu 慈 節 靜 淑 慧 敏 憲 順 孝 義 皇 后. Chúa và Hậu được thờ tại Thái Miếu, ở án thứ hai bên trái. Chúa Nghĩa cùng Hậu có 9 người con (5 trai, 4 gái).


Lăng Vĩnh Mậu 永 茂 của Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Hậu

Chúa là người khai sáng ra hệ VI họ Nguyễn Phúc, nhưng hệ VI không có phòng, vì ngoài Chúa Nguyễn Phúc Chu đứng đầu hệ VII các Hoàng tử khác đều mất sớm và vô tự.

Đức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế là vị Chúa Nguyễn thứ năm trị vì ở miền Nam. Chúa là người nhân từ, lại lo lắng giữ gìn cơ nghiệp của Tổ Tiên. Mặc dầu phía Bắc không còn là mối đe dọa, Chúa vẫn xây dựng binh lực ngày càng hùng mạnh để phòng bị lúc nguy cấp, đã xây Vương phủ Phú Xuân sau này trở thành kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1802. Tuy thời gian ở ngôi ngắn ngủi nhưng trong suốt thời gian trị vì, Chúa đã thể hiện quan điểm gần dân, thương dân, thực thi các chính sách hợp lý. Chúa phát huy quan hệ với lâng bang tốt đẹp và dùng uy vũ để chế ngự, tạo điều kiện cho các vị Chúa kế nghiệp công cuộc mở mang bờ cõi. Trong thời của Chúa, dân chúng được sống trong cảnh thanh bình, an cư lạc nghiệp.


Lãnh thổ Đại Việt thời Chúa Nghĩa (năm 1679)
Quoc Lien