Đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế húy danh là Nguyễn Phúc Luân 阮 福 㫻, sinh ngày 29 tháng 4 năm Quý Sửu (11.6.1733), là con thứ hai của Đức Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Khoát 阮 福 濶 và Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Hậu Trương Thị Dung 張 氏 容.
Khi chọn người kế vị ngôi Chúa của mình, đức Thế Tông đã xem xét chu đáo tư chất của những người con. Trước lúc người con thứ 9, từng được chọn ngôi Thế tử là Thái Bảo Quận Công Nguyễn Phúc Hạo 阮 福 昊 với đức tính hiền hiếu, nhân từ, thông minh, nhưng mất sớm vào năm 1760 lúc 22 tuổi, thì đức Thế Tông là người hội tụ đủ các yếu tố để kế vị. Ngài vốn khôn ngoan, thông tuệ, sáng suốt, quả quyết, tóm lại là có nhiều kỳ vọng nhất. Đức Thế Tông từng sai Nội Hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh (*) làm thầy cùng Nho học Huấn đạo Lê Cao Kỷ làm thị giảng, chăm lo dạy dỗ cho Ngài để nối ngôi. Thuở đầu Ngài được phong chức Chưởng cơ, những buổi triều chính quan trọng cùng với các quan đại thần Ngài đều được cùng bàn việc quân cơ và am hiểu tình hình quốc sự.
Vào ngày cuối cùng của năm, 31.12.1763, anh trưởng của Ngài là Nguyễn Phúc Chương 阮 福 璋 mất lúc 32 tuổi, một năm rưỡi sau, ngày 20 tháng 5 năm Ất Dậu (7.7.1765), đức Thế Tông cũng băng, để lại di chiếu cho Ngài nối ngôi. Nếu không có biến động gì, thì đức Hưng Tổ Nguyễn Phúc Luân ắt hẳn sẽ là vị Chúa Nguyễn tiếp theo. Tuy nhiên, thời kỳ này chính sự rối ren bởi sự chuyên quyền trong nội các lúc bấy giờ của gian thần Trương Phúc Loan(**). Do biết đức Hưng Tổ lúc nhỏ đã khôi ngô khác thường, giờ đã là người trưởng thành, lại thông minh quyết đoán không dễ gì thao túng được, nếu Ngài lên ngôi thì uy quyền của Trương Phúc Loan sẽ không được lộng hành như trước nữa, nên Trương Phúc Loan lập mưu lấn át bề trên, hãm hại trung thần, cùng Thái giám Chữ Đức (không rõ họ) và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông, bày mưu kế bắt giam Ngài vào lãnh thất, giết chết hai thầy dạy của Ngài là Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ. Mưu đồ được thực hiện trót lọt, di chiếu được thay đổi, trao ngôi sang người em thứ 16 của Ngài là công tử Nguyễn Phúc Thuần khi đó chỉ mới 12 tuổi lên kế nghiệp ngôi Chúa, xưng Đạo hiệu là Khánh Phủ Đạo Nhân 慶 暊 道 人.
Vì âm mưu hãm hại của Trương Phúc Loan, sống trong sự đau buồn uất ức, nên Ngài lâm bệnh, được cho về phủ đệ và đã quy tiên đầy thương xót vào ngày 11 tháng 9 năm Ất Dậu (24.10.1765) hưởng dương 33 tuổi, chỉ sau ngày phụ vương của mình băng có 3 tháng.
Ngài được an táng tại làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Nam Tây Nam, theo đường Minh Mạng (Quốc lộ 49) hiện nay.
Cuộc đời của Đức Hưng Tổ khốn đốn đến vậy, nhưng ngay đến cả khi mất đi, nỗi đau vẫn còn tiếp diễn. Năm Canh Tuất (1790) quân Tây Sơn quật lăng mộ, đổ hài cốt Ngài xuống sông phía đối diện lăng. Một ngư dân ở làng Cư Hóa tên là Nguyễn Ngọc Huyên cùng con trai, trong một lần kéo lưới ở khúc sông ấy, đã phát hiện trong lưới của mình một chiếc sọ người, quá hoảng sợ, ông liền ném cái xương sọ đó đi. Lần thứ hai khi tiếp tục kéo, lại một lần nữa thấy chiếc sọ kia nằm trong lưới, lần này ông thực sự run rẩy, rồi ông ném chiếc sọ đi xa và khấn vái: “Nếu đây quả thực là di cốt của một ngài linh thiêng nào đó xin hãy trở lại trong lưới của tôi.”
Và lần kéo thứ ba, chiếc sọ vẫn nằm uy nghi trong lưới, cha con người ngư dân đã đem chôn giấu đi, rồi sau này mọi việc được bẩm báo với triều đình.
Về sau, khi đã xác thực chiếc sọ là di cốt của phụ vương mình, tháng 9 năm Tân Dậu 1801 đức Thế Tổ đã đưa về táng chỗ cũ, lăng được xây lớn hơn trước và đặt tên là lăng Cơ Thánh 基 聖 陵. Cũng chính vì lẽ đó mà nhân dân vẫn hay truyền tụng với nhau và gọi tên lăng là lăng Sọ.
Để đền đáp công lao, Đức Thế Tổ đã cho đổi tên làng Cư Hóa thành Cư Chánh 居正, biểu trưng cho một sự chánh nghĩa, ăn ở theo lẽ ngay thẳng. Làng Cư Chánh từ đó được miễn thuế khóa trong một thời gian dài. Về phần ngư dân Nguyễn Ngọc Huyên do có công tìm thấy di cốt, được thưởng hậu hĩnh và sau khi mất lại được nhà vua cho xây dựng miếu để thờ tự. Ngôi miếu mang tên An Ninh Bá thờ ông Nguyễn Ngọc Huyên đến nay trải qua gần 2 thế kỷ vẫn còn ở gần lăng.
Một tình tiết mang hơi hướng huyền thoại tâm linh, nhưng cũng đủ để nói lên lòng người dân hướng về triều Nguyễn và là nét nhân văn của những tấm lòng biết trân trọng người đã khuất với hành động đền đáp nghĩa nhân của một bậc đế vương.
Lăng Cơ Thánh hiện tọa lạc trên một sườn đồi, mặt sau dựa vào núi, trước mặt có sông Hương là nơi tụ thuỷ theo quan niệm phong thủy tả long hữu hổ, lăng gồm ba khoảng đất hình chữ nhật giật cấp liền nhau, tuần tự từ bờ sông Hương vào đến triền núi, khoảng thứ nhất là sân cỏ, khoảng thứ hai là bái đình cao hơn sân cỏ, có bảy bậc cấp, khoảng thứ ba có thành dày bao bọc, thành cao hơn 3m, chiều rộng khoảng 19m chiều sâu khoảng 24m. Giữa bức thành trước có cửa vòm lớn, với 2 cánh cổng vững chắc, bên trong cửa là một bức bình phong, mặt trước đắp nổi hình rồng, mặt sau đắp nổi 3 con kỳ lân, bình phong sau đắp nổi hình rồng bị hư hỏng nhiều so với bình phong trước, các phù điêu này rất sinh động và toát lên vẻ quyền uy. Nấm mộ (Bảo phong) hình khối chữ nhật, giật cấp 3 tầng, tổng thể chừng 3,5m x 3m cao tầm 0,75m, sát bình phong sau có bệ thờ dùng đặt phẩm vật, hương đèn khi tế lễ. Lăng Cơ Thánh không có tả hữu tùng viện và không có điện thờ, tuy có tài liệu cho rằng trước đây, hai bên đông tây lăng còn có điện Canh Y 更衣殿 và Thần Khố 神庫, được dựng 3 gian, nhưng qua thời gian dài thì nay không còn. Lăng được tu sửa vào năm Minh Mạng thứ 21 1840 và đầu thời vua Thiệu Trị 1841, đến nay lăng cũng được con cháu Nguyễn Phước Tộc thường xuyên thăm viếng, dâng hương và tu bổ.
Năm Mậu Tuất (1778), lúc lên nhiếp chính ở miền Nam, Chúa Nguyễn Phúc Ánh truy tôn Thân Phụ của mình là Từ Tường Đạm Bạc Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang Vương 慈 祥 澹 泊 寬 裕 溫 和 孝 康 王. Năm Bính Dần (1806) Đức Thế Tổ truy tôn Ngài là Nhân Minh Cẩn Hậu Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang Hoàng Đế 仁 明 謹 厚 寬 裕 温 和 孝 康 皇 帝, miếu hiệu là Hưng Tổ 興 祖. Cũng trong năm này Đức Thế Tổ đã cho xây Hưng Miếu 興 廟 để thờ Ngài và Hậu, phong tên núi nơi có lăng tọa lạc là Hưng Nghiệp Sơn 興 業 山. Với ý nghĩa cơ đồ sự nghiệp thịnh vượng.
Hậu của Ngài húy là Nguyễn Thị Hoàn 阮 氏 環, năm Gia Long thứ 11 (1812), Đức Thế Tổ tôn thụy là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang Hoàng Hậu 懿 靜 惠 恭 安 貞 慈 獻 孝 康 皇 后. Lăng Hậu là Thụy Thánh Lăng 瑞 聖 陵, ở núi Định Môn, huyện Hương Trà.
Đức Hưng Tổ còn có một Từ Phi Nguyễn thị 阮 氏 (sử không chép tên), là chị của Hiếu Khang Hoàng Hậu, khi mất được truy tặng làm Ý Thân Huy Gia Từ Phi 懿 慎 徽 嘉 慈 妃.
Đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế sống trong thời kỳ mà triều đình Đàng Trong bắt đầu suy tàn. Tuy được di chiếu của đức Thế Tông truyền ngôi, nhưng Ngài chưa trị vì ngày nào. Sự lộng quyền của gian thần “Trương Tần Cối” đã làm dân chúng căm phẫn, nhân tâm ly tán, nên khi có biến không thể chống được. Ngài ra đi khởi đầu cho một thời kỳ ly loạn, gian truân hơn 1/3 thế kỷ của triều Nguyễn sau này, đưa đến sự sụp đổ của một triều đại, khiến cơ đồ phải rơi vào tay người khác.
Đức Hưng Tổ có 10 người con, thì 5 người đã bị quân Tây Sơn sát hại (chưa kể các con rể Ngài hy sinh trong cuộc chiến). Tuy nhiên, lòng người vẫn tưởng nhớ đến ân đức của các Chúa Nguyễn với công lao xây dựng miền Nam nhiều đời trước và đây là nền tảng vững chắc đã thấm đẫm vào lòng dân, truyền từ đời này qua đời khác, nhờ đó mà với chỉ 1 Hoàng Nam duy nhất còn sống sót của Ngài, là Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, được sự ủng hộ của toàn dân và bằng tài năng kiệt xuất của mình, sau hơn nửa đời người bôn ba gian khó, vào sinh ra tử, đã thống nhất giang sơn về một mối, mở ra một trang sử hào hùng cho nước nhà, xây dựng lại cơ đồ to lớn và rực rỡ hơn xưa.
Với tấm lòng thành kính, cháu con xin ghi chép bài viết nhân kỷ niệm 258 năm ngày băng của đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, 11.9. Ất Dậu (24.10.1765) – 10.9. Quý Mão (24.10.2023).
Ghi chú:
(*) Nội Hữu 內 右 Trương Văn Hạnh 張 文 幸 người Nghệ An, là anh em chú bác với Trương Văn Hiến (giáo Hiến). Trương Văn Hiến lúc đầu vào Đàng Trong nương nhờ Trương Văn Hạnh, vì Trương Văn Hạnh phản đối Trương Phúc Loan nên bị “Trương Tần Cối” này giết chết cả nhà. Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây bèn bỏ vào Nam, sau này lưu lạc đến Quy Nhơn lập nghiệp, Giáo Hiến là thầy của ba anh em nhà Tây Sơn. Mang theo hoài bão lớn tạo ra lứa học trò có thể diệt loạn thần phò giúp chúa Nguyễn thịnh trị trở lại, dặn các học trò cùng 3 anh em Tây Sơn rằng: “Các con là người của đất Tây Sơn, Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc và hết lòng giúp chúa Nguyễn để phục hồi nền nhất thống”. Không nghe lời thầy, kết cục Tây Sơn cũng bị diệt.
(**) Trương Phúc Loan 張 福 巒 là con thứ của Thái bảo quốc công Trương Phúc Phan, cũng là cậu ruột của đức Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát, ông ta là một quyền thần cuối thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong hơn mười năm cầm quyền, Trương Phúc Loan đã lạm dụng quyền hành vì lợi ích cá nhân, khuynh đảo chính sự ở Đàng Trong, cuối cùng cũng tán gia bại sản, bị bắt và chết trên đường đi chịu tội. Ông ta là nguyên nhân chính, khiến chính quyền các Chúa Nguyễn sụp đổ.