ĐỨC TÚC TÔNG HIẾU NINH HOÀNG ĐẾ 肅 宗 孝 寧 皇 帝
Húy NGUYỄN PHÚC THỤ 阮 福 澍
(22.12 Bính Tý 14.1.1697 – 20.4 Mậu Ngọ 7.6.1738)
Ngài là vị Chúa Nguyễn thứ bảy ở Đàng Trong, là trưởng nam của Chúa Minh – Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) và Từ Huệ Phu Nhân – Tống Thị Được (1680 – 1716).
Ngài có tên húy là Thụ, lại húy là Vượng (*). Khi Ngài mới sinh có mùi thơm đầy nhà, lớn lên văn võ tài lược. Ban đầu Ngài được trao chức Cai cơ Đỉnh Thịnh hầu. Năm Ất Mùi 1715 được thăng Chưởng cơ.
Ngày 1/6/1725, Đức Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế băng, quần thần vâng di mệnh tôn Chúa làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Phó Đỉnh Quốc Công. Tục gọi là Chúa Ninh 主寧 hay Ninh Vương 寧王.
Chúa Ninh là người đạo đức, tu hành, nên lấy đạo hiệu là Vân Tuyền Đạo Nhân 雲 泉 道 人, thường ra những huấn điều răn dạy dân chúng tôn trọng đạo lý, yên nghiệp làm ăn, cấm cờ bạc rượu chè, kiện cáo, gian lận.
Dưới thời chúa Ninh, vào năm Tân Hợi 1731 người tên Sá Tốt (**) thuộc Chân Lạp, đã xúi giục những người dân bản xứ nổi dậy chém giết tất cả những người Việt đang sống trong vùng, rồi đem quân Chân Lạp vào cướp phá Gia Định. Chúa sai Trương Phước Vĩnh chỉ huy cuộc phản công, cùng cai đội Nguyễn Cửu Triêm và Tổng binh Trần Đại Định (con trai Trần Thượng Xuyên) đem quân chặn đánh ở Vườn Trầu (Hóc Môn) và phá được binh lực của đối phương.
Bấy giờ, dinh Phiên Trấn và Trấn Biên đều có tướng chỉ huy quân ngũ ở mỗi địa phương. Nhưng khi có biến lớn, thì các đội quân này vừa yếu, lại vừa thiếu sự phối hợp để chống trả. Sau khi bị quân Prea Sot quấy nhiễu, Chúa cho lập ra dinh Điều Khiển ở phía Nam dinh Phiên Trấn và chức Điều Khiển để thống nhất việc chỉ huy quân sự ở biên cương một cách có hiệu quả hơn. Người đầu tiên giữ chức vụ này là Trương Phước Vĩnh.
Năm 1733, Chúa Ninh là người đầu tiên cho đặt đồng hồ tại các dinh và các đồn ven biển. Loại đồng hồ quả lắc có chuông báo theo 24 giờ này, do dân ta tự làm dựa theo kiểu của phương Tây, được đặt tên là Tự Minh Chung (chuông tự kêu).
Tháng 8 năm Giáp Dần 1734 Chúa Ninh nhớ công lao của thống suất Nguyễn Cửu Vân là người có công lớn trong việc khai khẩn đất đai, bèn sắc tứ biển ngạch ban tên cho chùa Hộ Quốc. Chùa này do Nguyễn Cửu Vân xây dựng khi bình định Chân Lạp cùng việc vỗ yên dân chúng. (Chùa hiện ở phía nam sông Đồng Nai, địa chỉ: Số A1/ 114, đường Bùi Hữu Nghĩa, khu phố 1, phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Năm 1735, Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Cửu mất, năm sau Chúa truy tặng phẩm hàm cho con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm Đô Đốc trấn này kế nghiệp cha, miễn thuế khóa, mở cục đúc tiền. Mạc Thiên Tứ đã chia đặt nha thuộc, bổ dụng đội ngũ quan quân, mở phố chợ, phát triển nơi này thành một nơi an ninh và thịnh vượng, lại có sinh hoạt văn hóa rất tao nhã, qua việc thành lập một loại hình tương tự như câu lạc bộ văn học ngày nay, gọi là Chiêu Anh Các.
Mùa hạ năm 1738 (20 tháng 4 năm Mậu Ngọ – 7.6.1738) Chúa băng sau 13 năm ở ngôi, thọ 43 tuổi, táng tại lăng Trường Phong 長豐 thuộc làng Định Môn, nay thuộc phường Hương Thọ, thị xã Hương trà Thừa Thiên Huế. Năm 1806, vua Thế Tổ truy tôn: Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vỹ Vũ Hiếu Ninh Hoàng Đế (宣 光 紹 烈 濬 哲 靜 淵 經 文 緯 武 孝 寧 皇 帝) Miếu hiệu là Túc Tông (肅 宗)
Hậu của Chúa húy là Trương Thị Thư 張氏書 (1699 – 1720) là con gái của Chưởng doanh Trương Phước Phan, Trấn thủ dinh Trấn Biên. Hậu mất lúc còn rất trẻ, mới 21 tuổi. Năm Gia Long thứ 5 (1806), vua Thế Tổ truy tôn cho bà: Từ Ý Quang Thuận Chiêu Hiến Thục Huệ Hiếu Ninh Hoàng hậu (慈懿光順昭憲淑惠孝寧皇后) táng tại lăng Vĩnh Phong 永豐 ở làng Long Hồ (Hương Trà, Thừa Thiên). Chúa và Hậu được hiệp thờ tại án thứ 3 bên phải tại Thái Miếu trong Đại Nội – Huế.
Chúa Nguyễn Phúc Thụ dù ở ngôi không lâu, nhưng là người đã có công lớn trong việc thiết lập đơn vị hành chính mới, giữ gìn và mở mang vùng đồng bằng Đàng Trong và là người khai sáng ra Hệ Tám Tiền Biên của Nguyễn Phước Tộc.
Người dân nước Nam đời đời nhớ ơn Chúa, cùng các bậc tiền nhân đã đổ bao công sức, máu xương mở rộng và khai phá mảnh đất tươi đẹp cho cháu con giống nòi Lạc Việt.
Ghi chú:
(*) Trong Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 9 (bản chữ Hán), trang 1 có ghi như sau:…肅 宗 宣 光 紹 烈 濬 哲 靜 淵 經 文 緯 武 孝 寧 皇 帝 諱 澍, 又 澍 旺, 聖 誕 丙 子 年…
Phiên âm: …Túc Tông Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vỹ Võ Hiếu Ninh Hoàng Đế húy Thụ, hựu húy Vượng, Thánh đản Bính Tý niên…
Tạm dịch: …Túc Tông Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vỹ Võ Hiếu Ninh Hoàng Đế húy là Thụ, lại có húy là Vượng, sinh năm Bính Tý…
Thông tin này không ghi trong Nguyễn Phước Tộc Thế Phả hay sách Đại Nam Thực Lục bản tiếng Việt. (Chữ Thụ, Hán tự ghi là 澍 , còn đọc là Chú).
(**) Prea Sot Sá Tốt 牢人詫卒 Lao Nhân Sá Tốt. Lao nhân tức là ronin, lãng nhân. Đây là nhóm người Nhật lưu vong ở Xiêm và Chân Lạp. Không phải lao nhân là người Lào như nhiều tài liệu ghi chép.