Chúa Tiên主僊, húy Nguyễn Hoàng 阮潢, sinh ngày 28/8/1525 (10/8/Ất Dậu), là con thứ hai của đức Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Nguyễn Kim và Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Hậu Nguyễn Thị Mai. Thuở nhỏ, lúc đức Triệu Tổ cầm đầu cuộc Trung hưng nhà Lê, chinh chiến tận Ai Lao, Ngài được cậu ruột là Nguyễn Ư Kỷ 阮於己(1) nuôi dạy chu đáo từ năm lên 2 tuổi.
Năm 21 tuổi (1545), Ngài cùng anh ruột là Lãng Quận Công 朗郡公 Nguyễn Uông 阮汪 theo giúp việc phò Lê diệt Mạc có công lao, nên từ Hạ Khê Hầu 夏溪候 Ngài được phong tước là Đoan Quận Công 端郡公. Sau khi đức Triệu Tổ mất, anh trai lại bị Trịnh Kiểm 鄭檢 mưu hại, Ngài được tư vấn kế sách từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙, với câu nói nỗi tiếng: Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân 橫山一帶萬代容身 (Một dải núi ngang có thể dung thân được muôn đời), nên nói với chị Ngọc Bảo 玉寶 là vợ Trịnh Kiểm 鄭檢 để xin cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa.(2)
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Ngài có tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bậc phi thường”. Năm 1558, lúc 34 tuổi, được sự chấp thuận của vua Lê Anh Tông 黎英宗 và Trịnh Kiểm, Ngài vào Thuận Hóa nhậm chức Trấn Thủ 鎮守, cùng các tướng và hàng nghìn đồng hương thân tín Thanh Nghệ, Ngài lập dinh Ái Tử 愛子 ở Quảng Trị.
Miền đất Thuận Hóa lúc bấy giờ thường được gọi là vùng “Ô châu ác địa”, còn hoang sơ và nghèo nàn, tạo điều kiện cho bọn cướp biển, giặc cỏ hoành hành, không những vậy, Ngài còn phải đối mặt với các lực lượng quân nhà Mạc, Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên quấy nhiễu. Chinh phục mảnh đất này quả là một thử thách lớn. Vậy nhưng, ngay từ lúc mới đặt chân đến đây, đã hội tụ được yếu tố nhân hòa: Nhân dân địa phương hết sức vui mừng khi hay tin có một vị quan lớn vào trấn thủ xứ sở của mình, đã dâng lên 7 vò nước trong, với ý nghĩa hiến nước là điềm được nước, Lưu thủ 留守 Thuận Hóa Tống Phước Trị 宋福治 đã tìm đến để vái chào, dâng lên bản đồ và sổ sách trong xứ, xin được một lòng phò tá, bên cạnh còn có Uy Quốc Công 威國公 Nguyễn Ư Kỷ, Thống Binh 統兵 Mạc Cảnh Huống 莫景況 đồng tâm tận lực phò trợ, từ đây Ngài được tôn xưng ở ngôi vị Chúa Nguyễn. Mặc dù đương thời Ngài chỉ được vua Lê phong làm Thái Úy 太尉 Đoan Quận Công, nhưng do những công việc an dân, thu phục nhân tâm, mở mang ngoại thương v.v… bằng tài lãnh đạo và lòng nhân đức, nên dân chúng Thuận Hóa rất cảm mến, họ gọi Ngài là Tiên Chúa 僊主, Tiên Vương 僊王, hay Chúa Tiên主僊.(3)
Năm 1560, Chúa cho đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải, do bấy giờ quân Mạc thường theo đường biến vào đánh phá xứ Thanh Nghệ nên phải đề phòng.
Mười năm trấn nhậm với chính sách rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nên nhân dân được an cư lạc nghiệp, ở chợ có giá nhất định, trong dân không có trộm cướp, đêm ngủ không phải đóng cổng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, toàn cõi yên vui làm ăn. Mỗi năm đều nộp thuế khóa đủ dùng về việc quân, Chúa được triều đình tin cậy.
Năm 1569, Chúa ra Thanh Hoa yết kiến vua Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp triều Lê đánh nhà Mạc, rồi đến phủ mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hài lòng, phong cho Chúa trấn thủ luôn đất Quảng Nam, đổi quan trấn thủ cũ ra Nghệ An.
Để chuẩn bị cho một bờ cõi riêng, một mặt Chúa lo xây dựng mở mang miền Nam thêm trù phú vững vàng, mặt khác không quên tỏ ra trung thành với nhà Lê để tránh sự nghi ngờ của họ Trịnh.
Qua đầu năm 1570, Chúa dời dinh đến làng Trà Bát 茶缽, thuộc huyện Đăng Xương 登昌. Cũng trong năm này, Chúa dùng mỹ nhân kế tiêu diệt tướng nhà Mạc là Lập Bạo ở huyện Minh Linh, quân giặc đem nhau đầu hàng, Chúa cho ở đất Cồn Tiên ở gần cửa Tùng, Quảng Trị đặt làm 36 phường, từ đó nhà Mạc không dám nhòm ngó đất Thuận Quảng nữa.
Năm Ất Dậu 1585, có tướng giặc nước Tây Dương hiệu Hiển Quý (là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai Công tử Nguyễn Phước Nguyên lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy. Chúa rất mừng nói rằng: “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.
Tháng 5 năm Nhâm Thìn 1592, Chúa đem đem binh quyền ra Đông Đô giúp vua Lê, Chúa Trịnh Tùng 鄭松 (vị chúa thứ 2 của họ Trịnh, đồng thời là cháu gọi Ngài bằng cậu ruột) đánh đuổi họ Mạc, tái chiếm Thăng Long. Trong thời gian ở đây 8 năm.(4) Chúa đánh dẹp toàn thắng và thu phục các nơi như Trấn Sơn Nam (nay là Nam Định), Hải Dương, Thái Nguyên, các huyện thuộc Sơn Tây v.v… vì có công lớn, nên bị Trịnh Tùng ganh ghét, không cho về trấn.
Tháng 10 năm Kỷ Hợi 1599, vua Lê Thế Tông băng, vua Lê Kính Tông lên ngôi, tấn phong Chúa làm Hữu Tướng 右將.
Mùa hạ năm 1600, Chúa lấy cớ đi dẹp các tướng nhà Lê chống họ Trịnh ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), Chúa đã đem tướng sĩ dưới quyền tiến đánh, rồi đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để con trai thứ năm và các cháu nội ở lại làm con tin.
Trở lại Thuận Hóa, Chúa cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử, bấy giờ gọi là Dinh Cát 營葛. Sợ họ Trịnh nghi ngờ, Chúa gửi thư cho Trịnh Tùng hẹn kết nghĩa thông gia. Tháng 10 năm 1600, Chúa gả con gái là Ngọc Tú 玉秀 cho Trịnh Tráng 鄭梉, con trưởng của Trịnh Tùng. Từ đó quyết tâm xây dựng Đàng Trong thành một quốc gia độc lập với họ Trịnh, củng cố phát triển, phòng bị và mở mang bờ cõi để đợi thời cơ dựng nền độc lập, Chúa không bao giờ quay lại Đàng Ngoài nữa.
Các năm về sau, ngoài việc xây dựng kinh tế, Chúa còn chú trọng phát triển Phật giáo, dựng chùa Thiên Mụ(5) bên bờ sông Hương, sửa sang và xây nhiều ngôi chùa khác trên vùng đất Thuận Quảng, xây nhiều kho tàng chứa lương thực phòng bị.
Năm Nhâm Dần 1602, Chúa cho lập dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) giao cho công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên làm Trấn thủ, nhằm đề cao kinh tế ngoại thương để làm kệ đỡ cho chính quyền của mình. Ở đây được coi là một trong những thủ phủ lớn của Đàng Trong và đóng vai trò quan trọng đặc biệt về kinh tế và quân sự dưới thời các Chúa Nguyễn trị vì.
Năm 1611, Chúa sai quân đi đánh Chiêm Thành, lấy vùng đất phía Nam đèo Cù Mông lập ra Phú Yên mở đầu cho việc mở rộng lãnh thổ của các Chúa Nguyễn về sau.
Còn một khu vực được bổ sung vào lãnh thổ nước ta, không thể không nhắc đến, mà lịch sử không ghi rõ thời gian, chỉ biết hai gia tướng người Việt gốc Chăm là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), lúc đó mới chỉ là một vùng đất vô chủ mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu.
Ngày 1 tháng 5 năm Quý Sửu, Chúa Tiên không được khỏe, cho triệu Công tử thứ sáu của mình là Thụy Quận Công Nguyễn Phước Nguyên từ Quảng Nam về. Ngày mùng 3 tháng 6 năm Quý Sửu (20/7/1613), Chúa yếu mệt, gọi Thế Tử vào căn dặn: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em phải thương yêu nhau. Con mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì.” Chúa lại nói: “Đất Thuận Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững, núi sẵn vàng sắt, biển sẵn cá muối thật là đất dụng võ của người anh hùng. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không thể địch được thì cố giữ đất đai chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta.”
Chúa cũng dặn với các cận thần lúc hấp hối bên giường bệnh: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông vui lòng giúp đỡ cho nên công nghiệp.” Thế tử và các thân thần khóc lạy vâng mệnh. Dặn dò xong Chúa băng, sau 55 năm cầm quyền (1558 – 1613), thượng thọ 89 tuổi.
Chúa được an táng tại Thạch Hãn, huyện Vũ Xương, nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, sau này cải táng tại ở núi La Khê, tức Khải Vận Sơn thuộc địa phận xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tên lăng là Trường Cơ 長基陵.
Năm 1806 sau khi chính thức lên ngôi Hoàng Đế, vua Gia Long truy tôn Chúa là Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế 肇基垂統欽明恭懿謹義達理顯應昭祐耀靈嘉 裕皇帝, Miếu hiệu là Thái Tổ 太祖
Phu nhân Chúa, đức bà họ Nguyễn cũng được truy tôn là Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Dụ Hoàng Hậu 慈莨光淑明德懿恭嘉裕皇后. Lăng Vĩnh Cơ 永基陵 của Hậu, cũng tọa lạc tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở án giữa tại Triệu Tổ Miếu – Đại Nội – Huế. Ngoài ra Chúa còn được con cháu, nhân dân tôn thờ tại Miếu Đường Nguyễn Triều – Sài Gòn, tại Nguyên Miếu Quý Hương – Thanh Hóa và nhiều nơi khác.
Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế là vị Chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn, là người đầu tiên đặt nền tảng cho việc xây dựng cơ nghiệp triều Nguyễn và đức Thế Tổ Gia Long Hoàng Đế là người hoàn thành quá trình thống nhất đất nước vào năm 1802.
Ngàn đời ghi nhớ công ơn Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tạo nên một bước ngoặt lớn của Việt Nam, đặt nền móng cho một triều đại kéo dài từ nửa sau thế kỷ XVI (năm 1558) đến nửa đầu thế kỷ XX (năm 1945) với 9 đời Chúa và 13 đời Vua Nguyễn, là người khởi đầu cuộc mở rộng biên cương lớn nhất trong lịch sử, đem lại cho Tổ quốc non một nửa đất nước với một vùng đất đai rộng lớn và trù phú như ngày nay. Các giá trị vật chất và tinh thần mà Chúa Tiên đã mang lại cho dân tộc là những công lao to lớn của tiền nhân, Chúa xứng đáng là Đấng Anh Hùng mở cõi vĩ đại.
Ghi chú:
Bài viết nhân lễ Húy kỵ lần thứ 407 của ĐỨC THÁI TỔ GIA DỤ HOÀNG ĐẾ (Mùng 3.6. Quý Sửu (1613) – Mùng 3.6. Canh Tý (2020)
(1) Trong Hán tự, chữ Kỷ 己 gần giống chữ Dĩ 已, nên có nhiều tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Ư Dĩ.
Là em của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Hậu, nhưng Thái Phó 太傅 Uy Quốc Công 威國公 Nguyễn Ư Kỷ 阮於己 được ghi tên và tiểu sử vào phần anh chị em của Đức Triệu Tổ trong Nguyễn Phước Tộc Thế Phả, có lẽ vì ân dưỡng dục Đức Thái Tổ và công lao Khai Quốc Công Thần của ông.
(2) Xứ Thuận Hóa 順化 lúc bấy giờ gồm các tỉnh Quảng Bình 廣平, Quảng Trị 廣治, Thừa Thiên 承天 và một phần Quảng Nam 廣南 ngày nay, được nhà Lê Trung Hưng lấy lại từ tay nhà Mạc vào năm 1552.
(3) Lê Quý Đôn 黎貴惇, khi viết lịch sử Đàng Trong (Phủ Biên Tạp Lục 撫邊雜錄) đã nhận xét về Chúa Tiên như sau:
“Đoan Quận Công có uy nghiêm lại có mưu luợc, vừa sáng suốt, vừa kín đáo, không ai dám nói dối, cai trị ở hai xứ ấy hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, có ơn huệ, dùng phép công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỹ luật, cấm trấp kẻ hung bạo, đổi hết phong tục xấu, ai ai cũng cảm ơn mến đức, quân và dân hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đều thân yêu tin phục…”
Sự thân yêu và tin phục này, thể hiện ở cách gọi Ngài là Chúa Tiên 主僊, với chữ Tiên 僊 có nghĩa là tiên thánh, chứ không phải tiên 先 là trước, mặt dù Ngài là vị chúa trước tiên của Đàng Trong.
(4) Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển XVII, có ghi một chi tiết thú vị về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng như sau:
“Tiết chế Trịnh Tùng cho đóng xe hai bánh, trang sức bằng ngọc ngà, trên xe làm mui sơn, hai bên xe khắc lan can bằng ngà, bốn vách sơn then, thếp vàng. Lại làm thang nhỏ để lên xe. Trước xe đặt một đòn ngang, sai bốn lực sĩ đẩy. Kiểu xe này do Thái Uý Nguyễn Hoàng sáng chế.”
Trong thời gian ở Đông Đô 8 năm, ngoài công lớn diệt trừ quân Mạc nhiều trận toàn thắng cho nhà Lê, Ngài có thể là ông Tổ chế tạo xe kéo hai bánh xưa chăng? Là xe đẩy, nhưng từ phía trước thì đẩy cũng như kéo.
(5) Theo sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu, xuất bản năm 2005 (trang 195) thì chùa Thiên Mụ do đức Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế 顯宗孝明皇帝 Húy Nguyễn Phúc Chu 阮福淍 xây dựng?