Danh tướng Tạ Quang Cự 謝 光 巨 (1770 – 1862), người huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên, Ông làm quan trải qua 4 đời vua đầu tiên của nhà Nguyễn. Cuộc đời ông gắn liền với trận mạc và chiến công.
Tạ Quang Cự đầu quân vào năm Gia Long thứ nhất – 1802, từng được thăng Cai đội. Năm Minh Mạng thứ 7 – 1826, được thăng Vệ úy vệ Nghiêm Vũ. Năm Minh Mạng thứ 8 – 1827, quân Xiêm La kéo sang đánh nước Vạn Tượng, rồi xâm lấn nước Việt. Ông cùng Hữu quân Nguyễn Văn Xuân 阮 文 春 dẫn quân đi ngăn cản, giữ vững được miền Nghệ An-Hà Tĩnh, được nhà vua phong làm Trấn Ninh phòng ngự sứ.
Năm Minh Mạng thứ 9 – 1828, triều Nguyễn đặt chức huyện thừa coi 7 huyện ở Trấn Ninh, bèn sai Tạ Quang Cự và Tri phủ Diễn Châu là Đỗ Tôn Quang 杜 宗 光 cùng đi trấn nhậm. Đến đó, hai ông dò xét biết Chiêu Nội 昭 内 (là tù trưởng người Bồn Man 盆 蠻, trước đây đem đất này thuộc với ta, cho làm phòng ngự sứ) đang âm mưu chống lại sự cai trị của triều đình, liền lập kế bắt sống rồi đưa về Huế xử lý. Sau việc này, Tạ Quang Cự được thăng Thự Cẩm Y Chưởng Vệ, quyền lĩnh công việc ở phủ Trấn Ninh, thưởng cho con dao đầu có con sư tử mạ vàng.
Năm Minh Mạng thứ 11 – 1830, nhờ giỏi cai trị, đất Trấn Ninh dần yên ổn, ông được nhà vua triệu về phong chức Thống chế Hậu doanh, cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh, kiêm lĩnh Tuần phủ Nghệ An.
Năm Minh Mạng thứ 14 – 1833, dò biết Hạ Sa Bút người ở Lạc Biên và thổ mục Phì Mường Thân ngầm có chí phản loạn, liền mật bắt xét hỏi, đều phục tội đem diệt đi. Đang lúc đó ở tỉnh Ninh Bình có Lê Duy Lương 黎 維 良, xưng là Đại Lê Hoàng Tôn 大 黎 皇 孫, cùng với các thổ ty đem quân đi đánh phá các phủ huyện và vây đánh tỉnh thành Hưng Hóa. Tạ Quang Cự được cử làm Tổng đốc quân vụ đạo Ninh Bình cùng với Tham tán Hoàng Đăng Thận 黄 登 慎, Nguyễn Đăng Giai 阮 登 楷 đem quân tiến đánh. Lúc đầu vì tiên liệu không đúng bị giáng 2 cấp, sau đó chia quân đánh phá được các đồn giặc, bắt sống được Lê Duy Lương và Lê Duy Nhiên 黎 維 然, cho đóng củi giải về Huế. Tin thắng trận tâu lên, vua cho khai phục các cấp bị giáng. Bình xét công lao vua rất đẹp lòng, thưởng cho ông chiếc nhẫn nạm vàng có đính kim cương to bằng hạt đậu lớn và được phong là Võ Lao Tử 武 牢 子.
Về lại Nghệ An chẳng bao lâu, thì ở Lạng Sơn, Cao Bằng nổi lên một cuộc nổi dậy khác, do Nông Văn Vân 農 文 雲 đứng đầu. Triều đình cử các Tổng đốc Lê Văn Đức 黎 文 德, Nguyễn Công Trứ 阮 公 著, Nguyễn Đình Phổ 阮 廷 普 đem quân đi tiểu trừ nhưng không thành. Đang làm Tổng đốc An Tĩnh thì Tạ Quang Cự được cử làm Tổng thống quân vụ đại thần, dẫn quân đi dẹp loạn. Ông giải vây thành Lạng Sơn và chiếm lại Cao Bằng, đuổi Nông Văn Vân chạy sang Tàu. Ông được thăng quân công một cấp lên tước Bá 伯.
Cũng trong năm này Tổng đốc Tạ Quang Cự đã có công xây thành Hà Tĩnh, được tách ra từ 2 phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An. Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Hà Tĩnh với tư cách là một tỉnh. Tạ Quang Cự rút 3.000 quân lính Nghệ An đã phái đi trước về tỉnh lỵ, rồi chọn lấy 1.000 quân trong tỉnh còn sung sức, không kể đang ở ban hay đã hạ ban, phải chăm huấn luyện thêm đợi kỳ ra quân, đặc cách sai Thự Thống chế Thần sách Hữu dinh là Tôn Thất Bằng 尊 室 朋 làm Đổng lý việc xây thành.
Mùa hè năm Minh Mạng thứ 15 – 1834, Nông Văn Vân lại gom đồ đảng quay về đánh phá, triều đình lại sai Tạ Quang Cự cùng các phó tướng Nguyễn Tấn Lâm 阮 進 林, Hồ Hữu 胡 有 đem quân phối hợp cùng hai đạo quân của Lê Văn Đức – Nguyễn Công Trứ, Phạm Văn Điển 笵 文 典 – Lê Văn Thụy 黎 文 瑞, ba mặt cùng tiến đánh, Nông Văn Vân thua chạy vào rừng, bị quân vây kín rồi phóng hỏa đốt cháy. Cuộc nổi dậy do Nông Văn Vân cầm đầu bị dập tắt.
Năm Minh Mạng thứ 16 – 1835. Ghi nhận công lao Tạ Quang Cự cùng các tướng, trải qua gian khó, sắp đặt mưu lược, lập công lớn, vua thưởng một cái nhẫn khảm ngọc kim cương, một thẻ bài đeo bằng ngọc trắng có chữ Phước Thọ. Tới khi về Kinh trong lễ Khải hoàn, vua thương vì khó nhọc, cho làm lễ Bão tất(1) cùng Đề đốc Phạm Văn Điển và Tổng đốc Lê Văn Đức, vua thân rót rượu hậu đãi, tặng một con hươu bằng vàng và được thăng Đô thống thự Trung quân Đô phủ Chưởng phủ sự, nhưng vẫn lĩnh chức Tổng đốc An Tĩnh.
Năm Minh Mạng thứ 17 – 1836, Dư đảng của Lê Duy Lương là Quách Tất Công 郭 必 功, Quách Tất Tế 郭 必 濟, Đinh Thế Đức 丁 世 德, Đinh Công Trịnh 丁 功 鄭 nổi lên ở Thanh Hóa – Ninh Bình, các thủ lĩnh họ Quách và họ Đinh lại suy tôn một người họ Lê khác tên là Lê Duy Hiển làm minh chủ, để tiện việc chống phá. Tháng 2 năm Minh Mạng thứ 18 – Đinh Dậu – 1837, Tạ Quang Cự được phong làm Ninh Bình kinh lược đại thần, có Tham tán Hà Duy Phiên làm phó lo việc đánh dẹp, trải bao khóc nhọc mới bắt được Quách Phước Thành ở Thượng Lũng, cho đóng củi giải về Kinh chịu tội. Sau đó lần lượt các viên chỉ huy của quân nổi dậy là Lê Duy Hiển và các đồ đảng đều bị bắt sống, Quách Tất Công bị xử chém. Giặc yên, vua ra lệnh rút quân nhưng ông xin đóng quân giữ an ninh một thời gian cho vững vàng, lại dụ người Thổ, nộp súng kíp kể có hàng nghìn khẩu. Quang Cự thưởng cho tiền, để biết đức ý của triều đình, và sai đặt xã thôn, sửa địa bạ. Rồi đem việc ấy tâu lên. Vua Minh Mạng rất hài lòng về cách xử trí này của ông và ban thưởng rất hậu. Do những chiến công này, năm Minh Mạng thứ 19 – 1838, vua Minh Mạng cho lập bia Võ công ở Võ miếu (Văn Thánh – Huế), xét công trạng, danh tướng Tạ Quang Cự được khắc tên vào bia ở vị trí thứ ba.
Năm Minh Mạng thứ 20 – 1839, Tạ Quang Cự được triệu về kinh, nhận tước Hầu 侯, trông coi việc nạo vét sông Phổ Lợi, kiêm coi Anh Danh Giáo Dưỡng(2). Từ đây, ông không còn phải xông pha trận mạc nữa, chỉ làm việc tại Kinh đô. Đến tuổi quá 70, nhiều lần xin nghỉ hưu nhưng uy tín và kinh nghiệm chiến trường, khiến triều đình vẫn muốn giữ ông tại chức như một cố vấn quân sự cao cấp.
Tháng giêng năm 1841, vua Thiệu Trị nối ngôi, thì tháng sau ông cùng với Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương được cử ra trông coi việc xây lăng cho vua Minh Mạng, và kiêm việc ấn vụ ở sở Tào chính. Cũng trong năm này, khi tình hình trấn Tây Thành trở nên tồi tệ, do sự chống đối dữ dội của người Miên, quan quân đánh dẹp mãi vẫn không yên, ông bèn tâu với nhà vua xin bỏ đất ấy, quân ta rút quân về An Giang. Do ông được tín nhiệm cao, nên những đề nghị của ông thường được các vua nghe theo.
Năm Thiệu Trị thứ 2, vua đi tuần miền Bắc, sung chức đại thần ở lại Kinh. Khi vua trở về, chuẩn cho gia hàm Thái tử Thái bảo kiêm coi ấn triện của Hậu quân.
Năm Thiệu Trị thứ 4, vua xét công và dụ rằng: Tạ Quang Cự, khó nhọc, tài năng, có huân lao, là người kỳ cựu, kính cẩn, thuần thực, lại tập ấm cho con là Tạ Quang Ân làm Tinh binh Cai đội, vì tuổi còn trẻ, chuẩn cho chiếu phẩm bổng lộc, chuyên lo học tập.
Năm Thiệu Trị thứ 6 – 1846, vua lại nghĩ Quang Cự là bề tôi cũ có công lao và tuổi già, được vinh dự tặng cho thẻ bài Ngự Tiền Đại Thần 馭 前 大 臣 bằng ngọc, thưởng cho sa đoạn mỗi thứ 3 tấm, đến kỳ đại kế(3), cho một quả bàn đào bằng vàng.
Năm Tự Đức thứ 1 – 1848, tháng 4, làm đại lễ Ninh Lăng, khi ấy tuổi đã 77, ông xin về hưu nhưng vua vẫn ủy lạo lưu lại, rồi sung Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Tạ Quang Cự làm Tổng hộ sự đại thần. Kể từ đó, năm nào ông đều được nhà vua ban thưởng.
Năm Tự Đức thứ 2 – 1849, duyệt binh, Tạ Quang Cự cùng đại thần võ ban tâu bày về công việc thao diễn, vua chuẩn cho bộ Binh bàn để thi hành.
Nhân kinh thành Huế có lệ khí dịch bệnh, nhà vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng, Võ Lao Hầu Tạ Quang Cự làm điều như Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn đã làm từ năm trước, là cùng văn võ đình thần tâu xét phục hồi danh vị cho những người bị xử phạt quá mức trong những vụ án oan của triều trước, với lời lẽ chí tình chí lý, nên được vua chuẩn tấu cho thi hành(4).
Năm Tự Đức thứ 3 – 1850, danh sách kỳ đại kế dâng lên. Vua dụ rằng: Quang Cự đã từng thờ bốn triều, thuần hậu thực thà, am luyện, thông suốt. Tuy là tuổi đã 80, nhưng tinh thần vẫn còn quắc thước, thưởng cho một cái kim khánh có chữ Mậu Tứ Huân Lao茂 賜 勳 勞 (có công lao tốt rõ rệt). Năm thứ 4, đến tuổi thọ 80, vua thân viết chữ Lão Phước Nguyên Huân 老 福 元 勳 vào một cái biển vàng, vua thân làm một bài thơ tặng, lại tăng một cái gậy có hình con chim cưu, một cái mục kỉnh bằng thủy tinh, gọng bằng vàng tía, 80 lạng bạc, lụa màu, rượu chè các thứ, sai Thị vệ đại thần và quan ở Nội Các mang đến thưởng cho.
Năm 1855, ông được cho về nghỉ hưu ở tuổi 86, sau nhiều lần xin thôi việc nhưng nhà vua không cho. Trước khi nghỉ, bằng kinh nghiệm của cấp chỉ huy qua thực tế chiến trường, ông đã nhiều lần tiến cử người hiền rất xứng đáng, trước sau có những người trở thành danh thần như Đề đốc Nguyễn Văn Hoàng, Trung quân Đoàn Thọ, Tổng đốc Đào Trí … nên được triều đình rất tin tưởng. Vua vẫn yêu mến, cho nhân sâm của vua dùng, vàng lụa một số đặc biệt, triều phục chuẩn cho mang theo về, hàng năm cấp cho nửa lương để sống tuổi già. Về sau, ông được miễn lạy mỗi khi vào chầu.
Tháng 10 âm lịch, năm Tự Đức thứ 15 – 1862, Võ Lao Hầu Tạ Quang Cự 武 牢 侯 謝光巨 quy tiên, hưởng thượng thọ 93 tuổi ta. Thương tiếc, nhà vua tặng ông hàm Thái Bảo 太 保, tên thụy là Trung Khác 忠 恪, cấp 2.000 quan tiền tuất cùng nhiều phẩm vật và sai quan đến tế lễ.
Đến 86 tuổi mới được nghỉ hưu. Thật là chuyện hiếm có! Một danh tướng triều Nguyễn, hội đủ các yếu tố của một người thành đạt: Công lớn, Tước cao, Đức dày, Sống thọ. Hơn 50 năm phụng sự đất nước bằng tài đức và tấm lòng, Võ Lao Hầu Tạ Quang Cự mãi sống trọn vẹn trong niềm tự hào của bao thế hệ hậu sinh, như bốn chữ quý được vua ban khắc trên tấm hoành phi: Lão Phước Nguyên Huân 老 福 元 勳.
Hiện nay nhà thờ ông tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Luôn được hậu duệ của ông chăm lo thờ tự cúng bái chu đáo.
Ghi chú:
(1) Bão tất 抱 膝 Bão là ôm Tất là đầu gối được coi là dịp bày tỏ lòng vua thương dân như con, thể hiện cảnh vua tôi hoà mục, thân ái.
Bản dụ của vua có đoạn viết: “…Trẫm nghĩ Đề đốc Phạm Văn Điển, Tổng đốc Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức hai lần đi đánh giặc, 3 năm mới thành công. Trải qua mọi gian hiểm mới nên được công to. Tuy là bổn phận của đạo tôi con phải làm nhưng vì nước khó nhọc, làm ta bớt mối lo ở phương Bắc. Trẫm lẽ nào quên đi mà không hậu đãi, ngoài việc ban công ban thưởng, phong tước đền công đã có dụ thi hành rồi, nay cho bộ Lễ bày nghi lễ, chọn ngày tốt, trẫm ngự ở cửa Đại Cung, cho các quan đại thần lui quân về vào chầu và cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối để tỏ ý trẫm coi như Hoàng tử vui đùa dưới gối…”
(2) Anh Danh Giáo Dưỡng là Trường đào quân đội thời Nguyễn, dành cho con trai của các quan võ.
(3) Đại kế 大 計 là kỳ xét thành tích làm việc của các quan để vua có quyết định thưởng phạt thích đáng. Lệ định cứ 3 năm một lần đại kế, vào các năm Thìn,Tuất, Sửu, Mùi.
(4) Đình thần võ ban Tạ Quang Cự trở xuống, văn ban Hà Duy Phiên trở xuống, 32 người hội làm sớ cùng tâu năm việc:
1. Con Anh Duệ Hoàng Thái Tử là Mỹ Đường, trước vì có tội phải bỏ tên ở trong tôn phả đi, năm Minh Mạng năm thứ 14, đã chuẩn cho biên tên vào, rồi lại bỏ tên đi. Nay xin tôn nghị trước gia ơn cho con trai, con gái và cháu Mỹ Đường lại được biên tên vào tôn phả.
2. Công thần đời Lê Trung Hưng, nếu ai không có con thừa tự, xin xét hỏi người ở chi bên trong họ, lập làm con cháu thừa tự sau cho công thần ấy, cùng các bề tôi chết về việc nước. Nếu có cha mẹ vợ con, châm chước cấp cho để đủ nuôi tuổi già.
3. Xin khoan miễn tội trước đây cho bề tôi đã chết rồi là Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, cho phép con cháu sửa sang phần mộ các viên ấy.
4. Sửa sang chỉnh đốn tổ việc thờ tự ở miễu nhà Lê, cấp tự điền, miếu phu. Con cháu sau nhà Lê cho phép đều được tùy tiện yên ở.
5. Xin chọn phái Kinh lược đại thần trông coi sửa chữa về quan lại.
Tất cả những điều trên, vua đều theo lời.
Tài liệu tham khảo:
– Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ.
– Đại Nam Liệt Truyện Tập 3 Chính biên – nhị tập.
– Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.
– Việt Nam Sử Lược .
Quoc Lien