Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, vào ngày 17.11.2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ đó, ông Clinton có nhắc lại một chi tiết thú vị về Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, khi còn là một đặc sứ, đã toan tính đưa các giống lúa châu Á về trồng ở trang trại của ông ở bang Virginia. Trong thời gian công tác ở Paris (Pháp), giữa năm 1787, Jefferson có dịp tiếp xúc với phái bộ Đại Việt đang chờ ký Thỏa ước Versailles (ngày 28.11.1787) với triều đình Pháp và được hứa khi về đến Gia Định, phái bộ sẽ gửi thóc giống sang cho ông. Tuy nhiên, do những trục trặc khiến chuyến trở về của phái bộ kéo dài quá lâu mà lời hứa trên đã không được thực hiện.
Khi còn làm Đặc sứ Mỹ tại Pháp (1785-1789), Thomas Jefferson có một đam mê kỳ lạ, đó là tìm hiểu các giống lúa nhiệt đới của phương Đông để đưa về trồng trên đất Mỹ, thay thế những giống lúa nước đã thoái hóa, nhằm cải thiện đời sống của những người nô lệ đang lao động khổ nhọc ở khắp nơi.
Một ngày nọ, ông đọc được tập sách Voyages d’un Philosophe (Hành trình của một nhà hiền triết) viết về chuyến đi của Pierre Poivre (1719-1786), một thương nhân làm việc cho công ty Đông Ấn (Compagnie française des Indes orientales), đến xứ Đàng Trong của Đại Việt năm 1749, thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.
Trong chuyến đi này, Poivre chuyển đến chúa Nguyễn một văn thư của công ty Đông Ấn xin cho các thương nhân Pháp được phép buôn bán ở Đàng Trong, đồng thời đề nghị hai bên ký kết một thương ước. Pierre Poivre vốn là một nhà buôn tinh ranh và xảo quyệt. Ông ta khảo sát tình hình Đàng Trong lúc bấy giờ và đề nghị được đổi những đồng tiền Mễ Tây Cơ mang theo lấy những tiền bằng đồng vừa bị chính quyền Đại Việt thải ra để thay bằng những đồng tiền đúc bằng hợp kim xấu.
Vụ đổi chác này dẫn đến một mâu thuẫn quyền lợi giữa Poivre và Trương Phúc Loan, cậu của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, đang giữ chức Ngoại Tả, một trong “tứ trụ” ở phủ chúa. Mâu thuẫn nặng đến mức Poivre bỏ ngang việc trao đổi tiền, xuống tàu rời Faifo (Hội An) về Pháp ngày 10.2.1750.
Quyển Voyages d’un Philosophe không phải là một tác phẩm hoàn chỉnh của Pierre Poivre. Khi về đến Pháp, ông ta chỉ ghi chép một số việc trong chuyến đi Đại Việt và gửi cho Viện Hàn lâm Lyon. Về sau, một số nhà xuất bản đã lấy các tư liệu đó, sắp xếp in thành sách (nhan đề trên) mà không đề tên tác giả cũng như không hỏi ý kiến Poivre.
Trong du ký của mình, thương nhân này đã giới thiệu với chính quyền các thuộc địa Ile de France và Bourbon (nay là Mauritius và Réunion) các loại hạt nhục đậu khấu, đinh hương và nhiều chủng loại thảo mộc khác. Tuy nhiên, điều quyến rũ nhất đối với Thomas Jefferson là phần Poivre miêu tả giống lúa vùng cao của Đại Việt: “ Người Đàng Trong trồng 6 loại lúa, lúa hạt nhỏ, có hạt nhỏ, dài và trong suốt, đây là loại ngon nhất và người ta dành cho người bệnh ăn. Loại lúa to có hạt hình tròn. Lúa gạo đỏ có hạt phủ một lớp da màu đỏ nhạt, bám chắc đến nỗi khó tách chúng ra được. Cả ba loại lúa hạt này được người dân dùng để tự nuôi sống và có rất nhiều. Chúng đòi hỏi phải có nước và đất trồng chúng phải ngập nước. Cuối cùng, họ trồng hai loại lúa khô khác, có nghĩa là chúng tăng trưởng trong đất khô cằn, và cũng như lúa mì của chúng ta, chúng không đòi hỏi một thứ nước nào ngoài nước mưa…”.
Sau khi đọc Poivre, Jefferson đã viết thư cho William Drayton, chủ tịch một hội cải tiến nông nghiệp ở bang South Carolina: “Lúa khô của Đàng Trong nổi tiếng là trắng nhất, vị ngon nhất và năng suất cao nhất… Tôi sẽ cố gắng kiếm được một ít để mang từ Đàng Trong về” (Thư Jefferson gửi cho William Drayton ngày 30.7.1787) . Nhận xét này của ông được nhiều người chia sẻ và ông tự thấy có trách nhiệm gây dựng một kho hạt giống lúa để thay thế dần các cây lương thực đang trồng.
Theo một vài tư liệu ít phổ biến, trong số những người mà Jefferson đưa vào danh sách cần tiếp xúc, có một nhà khoa học Anh, một nhà hiền triết người Pháp, một thuyền trưởng người Mỹ và một ông hoàng phương Đông. Người ta có thể suy đoán nhà hiền triết người Pháp mà Jefferson cần tiếp xúc là Pierre Poivre, tác giả những du ký hấp dẫn mà ông đã có dịp đọc tới. Còn ông hoàng phương Đông trong danh sách tiếp xúc của Jefferson chính là Hoàng tử Cảnh, người được chúa Nguyễn Ánh cho đi theo giám mục Bá Đa Lộc làm con tin để thương thuyết với triều đình nước Pháp về những vấn đề có lợi cho cả hai phía.
Đó là năm 1787, khi thỏa ước Versailles vừa được ký kết giữa một bên là Bá Đa Lộc, đại diện chúa Nguyễn Ánh và một bên là Thượng thư Bộ Ngoại giao, bá tước De Montmorin, thay mặt Pháp hoàng Louis XVI. Sự hiện diện của phái bộ Đại Việt đến từ một châu lục xa xôi, và sự xuất hiện của một hoàng tử nhỏ bé mới 7 tuổi đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn bộ cung đình nước Pháp. Vì yêu mến cậu bé xinh xắn mà hoàng hậu Marie Antoinette đã tạo điều kiện cho cậu chơi đùa với con bà là Hoàng thái tử Louis Joseph trạc tuổi cậu. Cậu còn được bà hoàng chỉ thị cho nhà làm tóc nổi tiếng Leonard tạo mẫu tóc mới và họa sĩ Maupérin vẽ cho cậu bức chân dung trong trang phục nửa Âu, nửa Á nay vẫn còn được trưng bày tại Chủng viện Hội Truyền giáo hải ngoại Paris.
Hoàng tử Cảnh, giám mục Bá Đa Lộc cùng đoàn tùy tùng đến Paris vào tháng 2.1787 và mãi đến ngày 28.11.1787, hai bên mới ký xong thỏa ước Versailles. Trước khi phái bộ Đại Việt rời nước Pháp vào tháng 12.1787, Thomas Jefferson kịp xin hội kiến với Bá Đa Lộc, Hoàng Tử Cảnh, và đoàn tùy tùng. Xét về địa vị xã hội của mỗi người trong phái bộ thì Hoàng Tử Cảnh tuy mới 7 tuổi, song lại là người có vị thế cao hơn cả, vì thế các tư liệu hiếm hoi đề cập đến cuộc hội kiến này đều nhắc tới Hoàng Tử Cảnh là người trực tiếp hội kiến với Jefferson.
chủ động thực sự trong cuộc hội kiến là giám mục Bá Đa Lộc và hai quan lại được chúa Nguyễn Ánh cắt cử theo hộ vệ Hoàng Tử Cảnh là Phó Vệ úy Phạm Văn Nhơn và Chánh cơ Nguyễn Văn Liêm. Trong cuộc gặp ngắn ngủi ấy, Jefferson nhận được lời hứa của phái bộ là sau khi về đến Đại Việt, họ sẽ gửi cho ông các giống lúa vùng cao.
Trong một nhật ký viết vào năm 1788, vị Đặc sứ người Mỹ vẫn nuôi hi vọng nhận được lúa giống từ Đàng Trong gửi sang. Nhưng khi Jefferson viết những dòng trên, thì Hoàng Tử Cảnh và phái bộ còn ở mãi Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, để tiếp xúc với bá tước de Conway, người được triều đình Pháp giao trách nhiệm thực thi thỏa ước Versailles.
Trên thực tế, thỏa ước được ký kết vào thời điểm nước Pháp đang trải qua những khó khăn lớn về tài chánh và không phải là vô tình mà triều đình Pháp đã giao việc thi hành cho bá tước de Conway. Mối bất đồng trầm trọng từ lâu giữa Bá Đa Lộc và de Conway cùng tình hình tài chánh bất ổn của nước Pháp khiến cho thỏa ước Versailles hoàn toàn bất khả thi.
Để gỡ thể diện với chúa Nguyễn Ánh, giám mục Bá Đa Lộc đã nán lại một khoảng thời gian dài trên đất Ấn Độ để quyên góp tiền và chiêu mộ một số viên chức và sĩ quan Pháp không còn ở trong chính quyền và quân ngũ (Vannier, Barisy, Le Brun, de Puymanel,…), đưa đến Đàng trong để hỗ trợ chúa Nguyễn trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn. Chính vì thế mà rời nước Pháp vào tháng 12. 1787, song mãi đến ngày 15.6.1789, tức một năm rưởi sau, Bá Đa Lộc cùng phái đoàn mới rời Pondichéry để trở về Đàng trong.
Đến lúc đó, Jefferson vẫn còn ở Pháp (ông trở về Mỹ vào tháng 11.1789), song có lẽ sự chờ đợi mòn mỏi khiến ông không còn hi vọng nhận được hạt giống lúa mà phái bộ Việt đã hứa. Về phần phái bộ Việt, chuyện ở lâu tại Pondichéry là điều ngoài ý muốn, nên khi về nước, phần vì tình hình cuộc chiến với nhà Tây Sơn đang hồi gay cấn, phần vì đã hơn một năm rưởi bặt tin nhau nên họ đã không thực hiện được lời hứa gửi lúa giống cho Thomas Jefferson.
Cuối năm 1789, Jefferson được Tổng thống Mỹ George Washington cử làm Bộ trưởng Ngoại giao rồi hơn 10 năm sau, trở thành Tổng thống thứ ba của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ (1801-1809). Trong thời gian làm Ngoại trưởng, ông vẫn tiếp tục nuôi ý định tìm và phổ biến các giống lúa vùng cao cho một số bang của Mỹ trồng thay thế nhiều chủng loại nông sản của Mỹ đã thoái hóa. Cuộc hội kiến giữa Jefferson và Hoàng Tử Cảnh của Đại Việt vào năm 1787 có lẽ là cuộc gặp gỡ Việt-Mỹ đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, tiếc rằng tình hình rối ren trong nước lúc bấy giờ và sự cách trở về địa lý đã không cho phép phía Đại Việt thực hiện lời hứa của mình.
Trích từ sách “VIỆT NAM THỜI LÊ NGUYỄN – Sự kiện và nhân vật lịch sử” của Lê Nguyễn – Nhà nghiên cứu lịch sử đương đại.
(Bài đăng có sự đồng ý của tác giả)
Quoc Lien