Sau khi lên ngôi được 10 tháng, vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ nhất (1820), theo lệnh vua Minh Mạng, Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên (Đinh Nguyễn Phiên) soạn bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi (qua kiểm duyệt và châu phê của vua Minh Mạng), dùng đặt chữ lót trước tên cho con cháu trực hệ vua (Đế Hệ), và con cháu của mười hoàng tử anh em (Phiên Hệ). Các bài thơ được soạn theo thể thức tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 5 chữ, thành 20 chữ) thành 11 bài thơ hoàn chỉnh.(*)

Những bài thơ trên, dùng mỹ tự để ghép thành, và để phân biệt từng thế hệ, cứ mỗi đời lại kế tục một chữ.

Những bài thơ có hàm ý khuyên răn, dạy bảo con cháu cố gắng học hành, trau dồi đạo đức, tu tâm dưỡng tánh, để trở thành người tài năng hữu dụng, để lo cho dân cho nước, xứng đáng là con cháu của tiền nhân đã có công lao vỹ đại một thời mở cõi, tạo dựng cơ đồ.

Gốc bài thơ là: Mỹ Lệ Anh Cường Tráng… 美 麗 英 彊 壯… Nhưng vì kỵ húy nên sau này chữ Lệ ( 麗 ) trong Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu, phải đổi ra chữ Duệ ( 睿 ), chữ Anh ( 英 ) trong Dực Tông Anh Hoàng Đế, nên đổi ra chữ Tăng ( 增 ).

Dưới đây là nghĩa từng chữ của bài Phiên Hệ Thi dành cho con cháu của đức ngài Hoàng Thái Tử – Nguyễn Phúc Cảnh.

MỸ nghĩa là đẹp, xinh, đức hạnh, sự vật tốt
LỆ là tươi đẹp, đẹp lộng lẫy
ANH là người tài năng, tinh tuý, kiệt xuất, tiếng tốt
CƯỜNG là mạnh khỏe, sức mạnh
TRÁNG là hùng mạnh, hào hùng, lớn lao tráng kiện.
LIÊNlà kết hợp, liền nối, tiếp tục.
HUY là chiếu, soi, rực rỡ, huy hoàng
PHÁT là bắt đầu, mở đầu, hưng khởi
BỘI là khâm phục, kính ngưỡng (còn có nghĩa là ngọc)
HƯƠNG là mùi thơm, tiếng tốt, được hoan nghênh
LINH là tốt đẹp, hiền lành, danh giá, sai khiến, làm cho.
NGHI là gương mẫu, khuôn mẫu, dáng vẻ
HÀM là hòa hợp, phổ cập, truyền khắp.
TỐN là nhún nhường, khiêm cung. (quẻ Tốn trong Kinh Dịch chỉ về cây cối, gió)
THUẬN là hợp ý, vừa lòng, trôi chảy, suông sẻ, noi theo
VỸ nghĩa là lớn lao, trác tuyệt, hùng vĩ
VỌNG là chiêm ngưỡng, mong ước, uy tín
BIỂUlà mẫu mực, gương mẫu
KHÔNQuẻ Khôn trong Kinh Dịch tượng trưng cho đất, người mẹ (**)
QUANG Nghĩa là tươi sáng, rạng rỡ

Tác giả bài viết này phỏng thơ như sau:

MỸ           Đức hạnh vốn dĩ hàng đầu,
LỆ             Sáng tươi nhật nguyệt ngàn sau rạng ngời.
ANH         Tài ba kiệt xuất giúp đời
CƯỜNG   Hun đúc chí lớn khắp nơi vững bền.
TRÁNG    Binh hùng dân mạnh mới nên
LIÊN        Hợp lực xây đắp mọi miền quốc gia
HUY         Lòng nhân rực rỡ chan hòa,
PHÁT      Hưng khởi thành đạt muôn nhà đồng tâm.
BỘI          Kính ngưỡng trí ngọc sáng trong,
HƯƠNG  Vẹn toàn hiếu thảo tiếng thơm giống nòi.
LINH       Tốt tươi hiền đức bao đời,
NGHI       Trọng nghĩa khuôn mẫu sáng ngời tương lai
HÀM        Hòa thuận truyền khắp lâu dài,
TỐN         Khiêm nhường bóng cả trong ngoài ước ao
THUẬN   Hợp lòng bách tánh tin trao,
VỸ            Dựng xây đất nước lớn lao bội phần
VỌNG      Hoạch định kế sách chuyên cần,
BIỂU        Xứng danh Nguyễn Phúc quần thần noi gương
KHÔN      Đất mẹ thắm nghĩa quê hương,
QUANG   Rạng ngời ân đức Tiên Vương lưu truyền.

Bài thơ được phóng tác theo thể lục bát (Tác giả QL)

Dùng chữ lót giúp bà con phân biệt ngôi thứ trong các hệ Chánh Biên, vua Minh Mạng mong muốn dòng họ Nguyễn Phước sẽ truyền nối 20 đời vua, nhưng cuối cùng đã dừng lại ở đời thứ 5 là vua Duy Tân (Vĩnh San) và vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy).

Hiện nay trong Phòng Anh Duệ đã đến chữ thứ 9 ( chữ Bội )

Tuy nhiên có một vấn đề trở ngại trong việc đặt tên cho con cháu sau này, do trước năm 1975, nhiều bà con trong các phủ, phòng thuộc các hệ Chánh Biên nói chung và phòng Anh Duệ nói riêng không dùng họ gốc Nguyễn Phúc (Phước), mà chỉ lấy chữ lót làm họ, cho nên trong khai sinh, giấy tờ xảy ra tình trạng cha con không cùng họ, việc khai báo lắm khi bị trở ngại. Ví dụ: Cha tên Vĩnh A,con trai mang tên Bảo B con gái mang tên Tôn Nữ … C. Hoặc: Cha tên Liên A con tên Huy B v.v…

Theo luật hôn nhân và gia đình hiện hành, con chỉ được mang họ cha hoặc mẹ nên có rất nhiều trường hợp cha Liên sinh con trai phải mang họ Liên, thậm chí con gái là Liên Tôn Nữ…Hoặc cha Huy A con là Huy B, con gái cũng là Huy C v.v…

Trong các hoàng tử của vua Duy Tân – Vĩnh San có hoàng nam Bảo Ngọc, tên đầy đủ là Guy Georges Vĩnh San, ông có bốn người con hàng chữ Quý là Patrick Vĩnh San, Chantal Vĩnh San, Annick Vĩnh San và Pascale Vĩnh San. Đổi sang Nguyễn Phước, Nguyễn Phúc cũng được nhưng nhiều giấy tờ liên quan khác như bằng cấp, học bạ, sổ hộ tịch với nhiều thủ tục nhiêu khê, nên một số bà con đành thúc thủ.

Châu phê của vua Minh Mạng khi chỉnh sửa bài Đế Hệ Thi
(Châu bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1)

Chi chú:

(*) Ngày 29/11, năm Minh Mạng thứ nhất – 1820 cụ Đinh Hồng Phiên đã tâu lên vua Minh Mạng: “Bề tôi Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên cứu đầu rập đầu trăm lạy kính tâu về việc: Nay kính vâng chỉ kiểm soạn các chữ trong Ngọc Phổ. Kính cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, cộng 220 chữ kính trình bày theo thứ tự. Kính chờ thánh thượng xét đoán”. (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235).

Theo Đại Nam thực lục: “Vào tháng tư năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Vua ban sách bằng vàng ngự chế về đế hệ dành cho trực hệ của vua và sách bạc về phiên hệ dành cho con cháu các anh em của vua. Lễ tuyên đọc và ban sách được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Nhà vua nói với các hoàng tử rằng: “Trẫm nghĩ tôn thống là quan trọng, muốn thực hiện chí của tiên hoàng, bèn soạn 20 chữ hay, lưu để cho người nối ngôi về sau, chia ra dòng đế, dòng phiên để phân biệt thân sơ… Trẫm chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn sẽ được hưởng 500 năm, hưởng đời hơn 20 đời. Cũng không dám mong nhiều đâu…”.

(**) Chữ Khôn trong câu cuối, gốc là chữ Khiêm . Chữ này bị sửa vì kiêng tên Khiêm lăng của vua Tự Đức, đồng thời cũng là danh hiệu Khiêm Hoàng hậu 謙 皇 后 của bà Trung phi vua Tự Đức là Võ Thị Duyên, do vua Hiệp Hòa tấn tôn năm 1884 theo di chiếu.

Quoc Lien

Nguyễn Phước Liên Quốc